COVID-19: Cổ phiếu vật tư y tế tăng 5.000%, ngành vaccine 'lên như diều gặp gió'

Thứ sáu, 21/08/2020, 11:14 AM

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, giá cổ phiếu của các công ty thiết bị y tế trên thế giới tăng vọt, nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào cổ phiếu ngành vaccine.

Dịch COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng, tấn công hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 22 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, gần 800.000 người chết. Chính vì vậy, nhu cầu điều chế vaccine để ngăn chặn dịch bệnh này được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến cho nền kinh tế các nước “lao đao”, thậm chí là suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại là cơ hội để các công ty thiết bị y tế, hãng dược phẩm, nhất là các nhà sản xuất, phát triển vaccine tăng doanh thu, gia tăng giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.  

Cố phiếu hãng thiết bị y tế tăng 5.000 %

Tại thời điểm đầu năm, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cổ phiếu của Medtecs International Corp. - nhà sản xuất quần áo y tế có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan) - được giao dịch với giá chưa đến 1 đôla Singapore (SGD). Tuy nhiên, giờ đây, giá trị của chúng đã tăng gần 5.000%.

Lợi nhuận ròng của công ty Medtecs International Corp nửa đầu năm 2020 đã tăng khoảng 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được lý giải là do gia tăng bất thường nhu cầu đối với quần áo bệnh viện thiết yếu có thể tái sử dụng, thiết bị bảo hộ cá nhân dùng một lần và quần áo bảo hộ lao động.

Cổ phiếu công ty Medtecs International Corp là cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất tại Singapore và nằm trong số những cổ phiếu tốt nhất trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu năm 2020.

“Lợi nhuận trong nửa cuối năm sẽ tốt hơn đầu năm với các đơn đặt hàng đang có”, Giám đốc điều hành của Medtecs William Yang nói, đồng thời cho biết thêm công ty này đang giúp Philippines xây dựng kho thiết bị bảo hộ và đang đàm phán để cung cấp cho các cơ quan tổ chức tại Mỹ và các nước châu Âu.

Sự gia tăng của Medtecs minh họa cách đại dịch đã khiến các cổ phiếu liên quan đến y tế trở thành một trong những ngành có doanh thu nhất châu Á. Cổ phiếu nhà sản xuất găng tay dùng một lần của Singapore UG Healthcare Corp đã tăng 1.827%. Trong khi đó, cổ phiếu công ty găng tay Top Glove Corp (của Malaysia) cũng tăng 477% giá trị.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, cổ phiếu của SCWorx, một công ty hậu cần chăm sóc sức khỏe nhỏ, đã tăng gần gấp 5 lần vào phiên đầu tuần sau khi nhận được những đơn đặt hàng lớn cho các bộ xét nghiệm COVID-19.

Rethink My Healthcare, một mạng lưới chăm sóc sức khỏe trực tuyến, đã cam kết mua 48 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ SCWorx. Theo đó, các bộ xét nghiệm sẽ được cung cấp để dùng trong 24 tuần với chi phí khoảng 35 triệu USD mỗi tuần. Với thông tin này, cổ phiếu của SCWorx đã tăng 425% từ 2,25 USD vào hôm 13/7 lên 12,02 USD khi đóng cửa phiên giao dịch vào hôm 17/8.

Tin này được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm chao đảo nền kinh tế Mỹ và khiến thị trường rơi vào thế khó. Tuy nhiên, nhu cầu xét nghiệm COVID-19 gia tăng đã khiến giới chức Mỹ cân nhắc khả năng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Marc Schessel, Giám đốc điều hành của SCWorx cho biết: “Việc xét nghiệm rộng rãi COVID-19 ở Mỹ là điều rất quan trọng để cứu nhiều mạng sống và sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. Đơn đặt hàng lớn của chúng tôi đến từ Rethink My Healthcare sẽ làm tăng đáng kể tính khả dụng của các bộ xét nghiệm nhanh tại Mỹ”.

Xu hướng tăng ở các hãng lớn

Thị trường Phố Wall đang đặt kỳ vọng vào các công ty dược phẩm lớn, có năng lực sản xuất vaccine COVID-19. Điều này báo hiệu sự hợp tác với các công ty sinh học nhỏ sẽ kết thúc sau thời gian tăng trưởng khả quan nhất của ngành này trong gần 20 năm qua.

Các dấu hiệu ban đầu về sự dịch chuyển đã xuất hiện vào hôm 19/8, khi dữ liệu tích cực về một trong những vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer Inc (PFE.N) đã khiến cổ phiếu của công ty dược phẩm lớn này tăng hơn 3%. Cổ phiếu của đơn vị hợp tác vaccine với họ là BioNTech SE của Đức (22UAy.F) không đổi.

Mặc dù thông tin này không ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu của các đối thủ lớn của Pfizer trong cuộc đua vaccine, song các công ty nhỏ hơn như Moderna Inc (MRNA.O) và Inovio Pharmaceuticals Inc (INO.O) đều cho thấy dữ liệu COVID-19 đầy hứa hẹn của riêng họ, kết thúc phiên ở mức tăng lần lượt là hơn 4% và 25%. Inovio đã phục hồi một phần vào hôm 20/8.

Từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu của các công ty lớn hơn trong cuộc đua vaccine như Johnson & Johnson (JNJ.N) và Merck (MRK.N) cũng vượt trội hơn so với Inovio và Moderna.

Cổ phiếu các công ty, hãng dược phẩm lớn có xu hướng tăng. (Ảnh: Reuters)

Cổ phiếu các công ty, hãng dược phẩm lớn có xu hướng tăng. (Ảnh: Reuters)

Theo giới quan sát, động thái bán cổ phiếu của một số công ty vừa qua có thể là do chốt lời cuối quý, chốt lại mức tăng chóng mặt trong thị trường đầy biến động. Cổ phiếu của các hãng dược phẩm lớn như Moderna và Inovio đã tăng lần lượt gần 200% và 540% trong năm nay.

Những đơn đặt hàng ung cấp vaccine "béo bở" mà các công ty, hãng dược lớn như Johnson & Johnson (J&J) và Novavax Inc... ký kết với chính phủ các nước được cho là nguyên nhân quan trọng, thu dòng tiền của các nhà đầu tư. Bởi vì, niềm tin của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu của các công ty lớn bao giờ cũng mang tính cơ bản và bền vững.

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư nhìn thấy rủi ro từ việc tiếp tục “theo đuổi” cố phiếu công nghệ sinh học nhỏ, sau thời gian doanh thu tăng chưa từng có trong năm nay.

“Tôi chắc chắn rằng, thành công của Pfizer, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson có thể khiến các công ty nhỏ hơn gặp nhiều thách thức về quy mô và khả năng sản xuất”, Vamil Divan, nhà phân tích công nghệ sinh học tại Mizuho cho biết.

Nhiều kỳ vọng cổ phiếu ngành vaccine

Việc Nga là nước đầu tiên công bố chế tạo thành công vaccine COVID-19 dường như đang kích hoạt cuộc đua bào chế vaccine nóng lên trên thế giới. Nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine. Và cổ phiếu của các công ty sản xuất, phát triển vaccine được dự báo sẽ được các nhà đầu tư săn đón trong thời gian tới.  

Theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư đang thay đổi chiến lược đầu tư, khi chuyển hướng quan tâm vào các công ty có khả năng sản xuất và phát triển vaccine. Triển vọng về việc có vaccine ngừa virus corona chủng mới có thể khiến cho đà tăng trưởng cổ phiếu của các công ty ngành dược chững lại. Cổ phiếu của các nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới như Top Glove, Hartalega Holdings Bhd. Và Supermax Corp. đã xu hướng giảm sau khi lập kỷ lục vào đầu tháng này.

“Cổ phiếu các công ty cung cấp trang thiết bị y tế có thể duy trì sự tăng trưởng. Một khi có vaccine, cố phiếu lĩnh vực này sẽ giảm đà tăng trưởng. Khi có vaccine để tiêm sẽ khiến dư thừa những thứ như khẩu trang, găng tay và quần áo y tế”, Justin Tang người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners ở Singapore, nhận định.

Các nhà sản xuất y tế chưa bao giờ phải đối mặt với thách thức như hiện nay khi cuộc chạy đua sản xuất vaccine COVID-19 toàn cầu nóng hơn bao giờ hết. Các công ty Pfizer và Johnson & Johnson đang đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất, phát triển vaccine COVID-19 đang được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. (Ảnh: Reuters)

Cổ phiếu của các nhà sản xuất, phát triển vaccine COVID-19 đang được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. (Ảnh: Reuters)

Hiện có hơn 17 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm trên người. Cho đến nay, Drugmakers đã công bố dữ liệu thử nghiệm vaccine trên người giai đoạn đầu cho 5 ứng viên.

Chính sự kỳ vọng về vaccine ngừa virus corona chủng mới đang khiến cho cổ phiếu của các công ty sản xuất, bào chế vaccine nhận được nhiều kỳ vọng từ các nhà đầu tư hơn bao giờ hết. Trong đó, cổ phiếu Pfizer, AstraZeneca, Drugmakers và Johnson & Johnson được xem là những lựa chọn hàng đầu dành cho các nhà đầu tư.

Nhà phân tích thị trường Vincent Chen của Bernstein Research cho biết, vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo ra hơn 10 tỷ USD doanh thu hàng năm, nhưng nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc xác định giá trị của chúng để đưa ra quyết định đầu tư.

“Trong ngắn hạn, các công ty sản xuất vaccine sẽ không thu được nhiều tiền. Đợt vaccine đầu tiên sẽ được phân phối hoặc bán với giá gốc. Tuy nhiên, các công ty sẽ bắt đầu thu lời nếu vaccine COVID-19 trở thành loại vaccine tương tự cúm và mọi người cần phải tiêm để bảo vệ khỏi virus”, Evan Seigerman, chuyên gia phân tích thị trường tại Credit Suisse cho hay: 

Thời gian qua, nên kinh tế thế giới đã “ngấm đòn” vì đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế toàn cầu năm nay sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2%.

Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 rõ ràng đã tác động, ảnh hưởng toàn diện nền kinh tế các nước. Thế nhưng, trong bối cảnh này, theo nhận định của nhà quan sát, dường như chỉ có ngành dược và thiết bị y tế vẫn hoạt động tốt, thậm chí là đem lại lợi nhuận cao khi nhu cầu đối với thuốc, vaccine điều trị COVID-19 cũng như trang thiết bị bảo hộ y tế ngày càng tăng.

 KÔNG ANH

 

Theo vtc.vn