Công ty HDTC vướng kiện: Bất thường định giá ‘đất vàng’ xuống ‘hạng'

Thứ hai, 26/03/2018, 16:33 PM

Thời gian qua, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) liên tục vướng “lùm xùm” vì kiện tụng, tranh chấp dự án với một loạt các công ty khác.

Mới đây, công ty này lại bị Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đông Tây (Cty Đông Tây) “tố” bội tín, lật lọng trong khi thực hiện hợp đồng. Điều bất thường là phần đất tranh chấp thuộc khu “đất vàng” An Phú An Khánh nhưng lại được định giá rất thấp so với thực tế thị trường.

Liên tục vướng “lùm xùm” vì tranh chấp

Vụ việc “lùm xùm” bắt đầu từ khoảng cuối năm 2017, khi lần lượt 3 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (SGCL), Công ty CP Địa ốc 8 và Công ty TNHH Tân Long cùng lúc tố HDTC “bội tín”.

Theo đó, cả 3 công ty trên đều là những đơn vị có các hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng nhiều lô đất với HDTC - Chủ đầu tư chính của dự án 131ha Khu đô thị An Phú An Khánh, Quận 2. Các doanh nghiệp “tố” HDTC bội tín vì không thực hiện sang tên và chuyển nhượng GCN QSDĐ cho các doanh nghiệp này theo như thỏa thuận tại các hợp đồng đã ký kết.

Không dừng lại, cũng trong năm 2017, HDTC lại vướng tranh chấp tại Dự án The Mark (Q.7) với các thành viên là liên doanh VK Housing mà HDTC có 20% cổ phần, 80% còn lại thuộc sở hữu của 2 pháp nhân Hàn Quốc là Công ty P&D Korea Co.ltđ (P&D) và Công ty Lucky Vietnam Construction (LVC).

Và mới đây, khi “dư âm” của những vụ lùm xùm tranh chấp trong năm 2017 chưa nguôi ngoai thì SGCL tiếp tục ủy quyền cho Cty Đông Tây (đơn vị hợp tác kinh doanh ) giải quyết một số vấn đề liên quan vụ tranh chấp trên với HDTC.

Theo Cty Đông Tây, HDTC đã cố tình “lật lọng”, tìm cách hủy hợp đồng đã ký kết từ hơn 10 năm trước nhằm chiếm lại khu đất.

Cụ thể, vừa qua HDTC đã khởi kiện SGCL đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng và các phụ lục hợp đồng giữa hai công ty đã ký kết từ năm 2005. Trước vụ việc trên, Cty Đông Tây cho biết, HDTC đang bóp méo sự thật nhằm đánh lừa dư luận, đồng thời cố tình lật lọng, bội tín để chiếm lại khu đất vì hiện nay giá trị của khu đất quá lớn so với hơn 10 năm trước.

Khu “đất vàng” An Phú An Khánh

Khu “đất vàng” An Phú An Khánh

Chây ỳ không làm thủ tục chuyển QSDĐ

Theo hồ sơ thể hiện, ngày 01/12/2005, SGCL và Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà – HDTC) ký kết hợp đồng số 1861/HĐCN về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô D9, với diện tích 3.603m2 (giá 1,45 triệu đồng/m2) thuộc khu D của dự án Khu đô thị An Phú An Khánh, quận 2 và cam kết bàn giao khu đất D9 cho SGCL trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận tiền đợt 1. Tuy nhiên, HDTC đã không thực hiện bàn giao khu đất như ký kết dù SGCL đã thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

7 năm sau, ngày 24/12/2012, hai bên đã ký phụ lục hợp đồng số 1861A/2012/PLHĐCNQSDĐ về việc SGCL nhận chuyển nhượng lô đất CC06-2 có diện tích là 5.719 m2 với giá trị 70.364.536.231đ, thay thế cho lô D9 nêu trên. Sau đó, HDTC đã tiến hành bàn giao lô đất CC06-2 cho SGCL để quản lý và xây dựng dự án.

Còn theo phụ lục hợp đồng số 1861B/2012/PLHĐCNQSDĐ ngày 24/12/2012, HDTC có trách nhiệm bàn giao GCN QSDĐ mang tên SGCL trong thời gian 32 tháng kể từ khi bàn giao khu đất. Thế nhưng, theo hồ sơ thể hiện, đến ngày 04/01/2016 mới chỉ hoàn thành GCN QSDĐ mang tên của HDTC mà chưa làm thủ tục sang tên cho SGCL (chậm 27 tháng kể từ khi HDTC nhận giấy chứng nhận và kéo dài gần 5 năm so với phụ lục hợp đồng đã ký).

“Điều này chứng tỏ HDTC xứng đáng là “bị đơn” trong vụ tranh chấp nêu trên. Không chỉ vậy, điều quan trọng, tại GCN QSDĐ cấp cho Cty HDTC (lô CC06-2 ), ở mục số 6, trang 2 nêu rõ: “Công ty có trách nhiệm thực hiện ngay thủ tục chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng đã nhận chuyển nhượng theo qui định”. Nội dung rõ ràng vậy, tuy nhiên HDTC đã cố tình dây dưa không làm thủ tục chuyển tên cho SGCL”, Cty Đông Tây bức xúc.

Định giá bất thường!

Liên quan vụ kiện, ngày 11/01/2018, Hội đồng định giá gồm đại diện Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng TN&MT quận 2 đã tiến hành định giá khu đất chỉ với giá 35.000.000đ/m2!

Đại diện SGCL và Cty Đông Tây đã không thống nhất giá trị thẩm định nêu trên.

Đại diện hai công ty cho rằng, đơn giá thẩm định nêu trên chưa căn cứ đầy đủ các yếu tố rất quan trọng như: Chỉ tiêu quy hoạch (hệ số, số căn hộ, khối đế độc lập…) và quan trọng nhất là không căn cứ theo giá thị trường mà Hội đồng định giá lại căn cứ vào giá đền bù cho dân tại thời điểm 1 năm trước, không phải theo giá đền bù cho dân tại thời điểm hiện nay.

Một khía cạnh khác, theo Cty Đông Tây, trong khi lô đất CC07-1 của Công ty CP Địa ốc 8 cũng thuộc Khu đô thị An Phú An Khánh có vị trí không “đắc địa” như lô CC06-2 và có khối đế chung (khối đế chung khi xây dựng phải phụ thuộc đơn vị cùng chung khối đế và cũng không thể làm giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty CP Địa ốc 8 ). Trong khi đó, lô CC06-2 có khối đế đã được tách riêng.

Tuy nhiên, với các điều kiện đó nhưng lô CC07-1 đã được đơn vị độc lập định giá là 45.659.927 đồng/m2; Hội đồng định giá quận 2 định giá 39.000.000 đồng/m2 cao hơn lô CC06-2 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn lô CC07-1!

“Điều này chứng tỏ việc định giá đất lô CC06-2 chỉ với giá 35.000.000/m2 thì không thể chấp nhận được. Cụ thể giá đất tại Khu đô thị An Phú An Khánh như đường Lương Định Của hiện nay, giá đền bù cho dân đang được đề nghị là 80 triệu đồng/m2 nhưng người dân vẫn không chấp nhận”, đại diện Cty Đông Tây cho biết.

Điều mà đại diện Cty Đông Tây nêu ra không phải không có căn cứ và cơ sở. Bởi theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hàng loạt trang thông tin uy tín về Bất động sản đăng tải, giá đất tại Khu đô thị An Phú An Khánh và lân cận được rao bán có giá từ 85-125 triệu đồng/m2.

Nói về điều này, một chuyên gia môi giới bất động sản cho biết, lô đất CC06-2 của Cty Đông Tây đang quản lý định giá như vậy là “quá bất thường”. Theo vị chuyên gia này, với tình hình thực tế thị trường bất động sản, với vị trí lô đất CC06-2, với chỉ tiêu quy hoạch như hiện nay thì khu đất có giá tối thiểu từ 50 - 55 triệu đồng/m2 .

Như vậy, có thể thấy việc yêu cầu một đơn vị định giá độc lập, uy tín định giá lại “đất vàng” là điều hợp lý.

Đến lúc này dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng những điều “bất thường” như trên trong cuộc tranh chấp giữa “đại gia” Đinh Trường Chinh và các Công ty hợp tác với HDTC trước đây vẫn tiếp tục xảy ra “gay cấn” khi mà “cuộc chiến” giành giật lại đất cho thấy vẫn đang tiếp diễn?

P.V

Theo Pháp luật net

largeer