Cổ phiếu "rơi tự do", nhà đầu tư tại BIDV, Vietcombank, VietinBank mất tỷ đô
Tăng điểm ấn tượng đầu phiên nhưng bất ngờ “ngã ngựa” cuối phiên, cổ phiếu BID, VCB, CTG khiến các ông chủ mất tỷ đô la.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (5/3), VN-Index có sự khởi đầu khá tốt. Ngay giờ mở cửa, chỉ số VN-Index đã tăng khá mạnh với lực cầu lớn. Cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng như BID, VCB, SSI, VND đi lên khá tốt, góp phần không nhỏ vào sự khởi đầu mới đầy tích cực. Sau đó, “sức nóng” giảm dần nhưng nhà đầu tư vẫn lạc quan, đặt trọn niềm tin vào một phiên xanh sàn.
Thế nhưng, kể từ sau 14h, tín hiệu tiêu cực xuất hiện rõ nét. Chỉ trong 5 phút cuối của phiên ATC, lực bán đổ ra ào ạt khiến các chỉ số “rơi tự do”. Đóng cửa phiên 5/3, VN-Index giảm 27,73 điểm, tương ứng 2,47% xuống 1.093,48 điểm. Toàn sàn ghi nhận 227,7 triệu cổ phiếu, tương đương 9.749,4 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thấp nhưng giá trị giao dịch lại rất cao chứng tỏ blue-chip đang bị nhà đầu tư tháo chạy.
Trên sàn Hà Nội, tình hình cũng không khá hơn. HNX-Index giảm 2,74 điểm, tương ứng 2,14% xuống 125,51 điểm. Toàn sàn có 70 triệu cổ phiếu, tương đương 1.287 tỷ đồng được trao tay. HNX30-Index giảm 4,34 điểm, tương đương 1,74% xuống 244,47 điểm. Có thể thấy, cổ phiếu đại gia trên sàn Hà Nội rung lắc ít hơn trên sàn TP.HCM.
Khối ngoại là người khơi mào cho đợt xả hàng ở cuối phiên ATC. Trong đó, HPG là “nạn nhân”. Hết phiên, có tới 4,07 triệu cổ phiếu HPG bị bán tháo. Trong đó, họ chỉ mua vào hơn 920.000 đơn vị. HAG cũng nằm trong danh mục bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với con số 2,27 triệu đơn vị.
Một số mã khác cũng bị nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay bán ra như KBC (1,6 triệu đơn vị), VNM (4,45 triệu đơn vị), VRE (1,02 triệu đơn vị). Tình hình tại VNM và VRE tích cực hơn khi khối lượng mua vào vẫn nhiều hơn khối lượng bán ra.
Trên sàn TP.HCM, bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, tài chính, HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong những “tội đồ” kéo thị trường đi xuống. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, HPG giảm sàn, giảm 4.600 đồng/CP xuống 61.700 đồng/CP.
Trong nhóm ngành tài chính, ngân hàng, BID, SSI, VND chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giảm sàn. BID giảm 2.600 đồng/CP xuống 35.200 đồng/CP. SSI giảm 2.650 đồng/CP xuống 35.350 đồng/CP. VND giảm 1.850 đồng/CP xuống 24.650 đồng/CP.
Không giảm sàn như BID nhưng nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng “rơi tự do”. VCB giảm 3.800 đồng/CP xuống 68.000 đồng/CP. VPB giảm 3.400 đồng/CP xuống 58.500 đồng/CP. CTG giảm 2.200 đồng/CP xuống 30.500 đồng/CP. EIB giảm 500 đồng/CP xuống 14.550 đồng/CP. MBB giảm 1.700 đồng/CP xuống 32.500 đồng/CP.
Giảm sàn chưa phải thiệt hại duy nhất mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Cú quay đầu 180 độ của VN-Index khiến nhà đầu tư thua lỗ thảm. Ngoài việc phải chịu mức giảm sàn, nhà đầu tư còn phải chịu thêm phần chênh lệch vì mua vào cổ phiếu với mức giá quá cao từ đầu phiên.
Ví dụ, BID giảm sàn, giảm 2.600 đồng. Như vậy, vốn hóa thị trường BIDV giảm 8.887 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại 2.600 đồng/CP, nhiều nhà đầu tư mua vào ở mức giá 38.400 đồng/CP đầu phiên, họ đã chịu thua lỗ tới 3.200 đồng/CP, tương ứng 8,47%. Vốn hóa thị trường BIDV “bốc hơi” 10.940 tỷ đồng.
Tương tự, với mức giảm 3.800 đồng/CP, vốn hóa thị trường Vietcombank mất 13.672 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ có nhiều cổ đông mất mát nhiều hơn nếu mua cổ phiếu VCB đúng “đỉnh” của ngày 5/3. Ở mức “đỉnh” 72.500 đồng/CP, cổ đông Vietcombank thua lỗ 4.500 đồng/CP, tương ứng 6,3%.
Tình hình bi đát cũng diễn ra tương tự tại VietinBank. Với mức giảm 2.200 đồng/CP của cổ phiếu CTG, vốn hóa thị trường VietinBank “bốc hơi” 8.191 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ với 3 ngân hàng lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư đã mất 30.750 tỷ đồng (khoảng 1,35 tỷ USD).
Vy Vy
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường