Cổ phiếu ngân hàng liên tiếp 'dậy sóng', nhà đầu tư hốt bạc
Có thể thấy trong những phiên giao dịch chứng khoán gần đây, cổ phiếu ngành ngân hàng luôn có sự bứt phá ngoạn mục.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, 7 trong số 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho thị trường thuộc "rổ" ngân hàng, dẫn đầu là CTG khi tăng 4,9% lên 39.550 đồng và thanh khoản xấp xỉ 920 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại trong danh sách này là BID, VIB, CTB, STB, HDB, MBB. Đây cũng là những mã có biên độ dao động giá trên 2%, trong khi những mã khác chỉ tăng khoảng 0,1-1,4%.
Trong các phiên trước đó, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng luôn nằm trong top 10 cổ phiếu đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số VN-Index.
Chẳng hạn, ngày 16/3/2021, nhờ giao dịch sôi động của cổ phiếu SHB, sàn HNX cũng ghi nhận một phiên giao dịch đột phá với thanh khoản lên tới 2.668 tỷ đồng và duy trì được sắc xanh.
Hay trong phiên ngày 11/3, 6/10 cổ phiếu chính đóng góp vào mức tăng 11 điểm của VN-Index là cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng.
Thực tế, có khá nhiều nguyên nhân để lý giải về mức tăng chưa thấy điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, bên cạnh kết quả kinh doanh tốt thì với đặc thù là “huyết mạch kinh tế”, nhóm cổ phiếu này còn đang phản ánh kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên cổ phiếu ngân hàng thực sự trở lại đường đua mà nó đã từng tạo dựng cách đây 15 năm, không chỉ đóng vai trò quyết định thúc đẩy thị trường chứng khoán, mà còn là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư nhàn rỗi trong xã hội.
Hay nói cách khác là “cuộc xâm chiếm” thị trường lần hai của cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ nỗ lực trong kinh doanh của bản thân các tổ chức tín dụng và dòng tiền rẻ đang và sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2021.
Dù tiềm năng là rất rõ ràng nhưng lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời với nhóm “cổ phiếu vua” là không đơn giản.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, thị trường chứng khoán sau một nhịp tăng trưởng thăng hoa sẽ là trào lưu tiếp nối của thị trường bất động sản. Một bộ phận nhà đầu tư sau khi chốt lời trên sàn chứng khoán sẽ chuyển dịch vốn đầu tư sang mua nhà đất. Sàn chứng khoán có thể sẽ vẫn còn một lực lượng nhà đầu tư tiếp tục bám trụ, nhưng dòng tiền trong bối cảnh đó sẽ có xu hướng hút vào các cổ phiếu bất động sản.
NGỌC VY
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường