Có phải vây cá mập là thần dược như tin đồn?

Thứ năm, 25/01/2018, 10:06 AM

Theo nhiều lời đồn đại trong dân gian, vây cá mập rất tốt, bồi bổ sức khỏe và có thể chữa được một số bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Vì thế, giá của nó trên thị trường thế giới rất cao. Lợi nhuận thu hút nhiều người tìm mọi cách để săn bắt cá mập khiến chúng lâm nguy.

Luật bảo vệ cá mập không nhiều

Hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng 30 nước có luật bảo vệ cá mập (cấp độ quốc gia). Việt Nam chưa có luật nào về bảo vệ cá mập hay buôn bán, khai thác vây cá mập. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về buôn bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đang bị nguy cấp (CITES) từ năm 1994" - theo trang tin chính thức của CITES.

Cụ thể, cá mập lần đầu tiên được đưa vào phụ lục II của CITES từ năm 2003. "Các loài trong phụ lục II không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng cần kiểm soát việc buôn bán để tránh ảnh hưởng tới sự sống còn của chúng" - theo quy định trong công ước.

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật cấm khai thác vây cá mập (Ảnh: JUNI KRISWANTO/AFP/GETTY)

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật cấm khai thác vây cá mập (Ảnh: JUNI KRISWANTO/AFP/GETTY)

Năm 2016, có thêm 12 loài cá mập được đưa vào Phụ lục II của CITES.

"Mặc dù các loài thủy sản bị khai thác thương mại đã được đưa vào các Phụ lục CITES trong những năm qua, nhưng các danh sách gần đây đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các bên tham gia trong việc bảo đảm rằng việc kinh doanh là hợp pháp, bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc" - thông tin từ website của CITES cho hay.

'Tác dụng bồi bổ, chữa bệnh'?

Chợ vi cá mập online tại Việt Nam có vẻ khá 'sầm uất' và không khó để đặt mua. Giá giao động từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một kilogram vi cá mập tùy loại, từ 'còn nguyên vây', 'khô', 'tươi', đến ruốc vi cá.

Phóng viên BBC gọi điện đến số điện thoại trên website của một công ty ghi có trụ sở chính tại Phú Yên chiều 24/1, thì được nhân viên ở đây cho biết giá một kilogram vi cá mập khô làm sạch 'loại trung bình' là 25 triệu đồng. Nhân viên cũng cho biết đây là 'vi cá mập Việt Nam'.

Một website rao bán vây cá mập tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Một website rao bán vây cá mập tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Vi cá mập cũng được quảng cáo tại nhiều website là "có đến 89% chất đạm, 01% đường bột, 0.22% lượng chất béo và cung cấp 384 calo, ngoài ra còn có thêm chất khoáng trong 100g vi cá mập khô" và "có thể chữa các bệnh xương khớp, mắt, bồi bổ cơ thể".

Thậm chí còn có nơi quảng cáo vi và sụn cá mập như thần dược chữa ung thư. Về khía cạnh sức khỏe, Hội nghiên cứu ung thư ở Vương quốc Anh đã công bố nghiên cứu cho hay chúng không hề có khả năng chữa hay ngăn chặn ung thư. Cũng không có bằng chứng khoa học nào khẳng định ăn thịt, xương, sụn hay vây cá mập tốt cho sức khỏe. Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong cơ thể rất cao. Con người nếu ăn phải thực phẩm có nồng độ thủy ngân cao có thể nguy hại tới sức khỏe.

Vây cá mập phơi ở Aceh, Indonesia hồi năm 2006 (Ảnh: CHAIDEER MAHYUDDIN)

Vây cá mập phơi ở Aceh, Indonesia hồi năm 2006 (Ảnh: CHAIDEER MAHYUDDIN)

Website chính của Tổ chức Cancer Research UK nêu rõ: "Một số người sử dụng sụn cá mập như một liệu pháp thay thế để điều trị ung thư. Điều này có nghĩa là họ sử dụng nó thay vì các biện pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị hoặc xạ trị. Việc này có thể rất có hại cho sức khoẻ của bạn và chúng tôi không khuyên bạn làm điều này".

                                                                                                                                                           Thủy Tiên

Theo NTD

largeer