Cơ hội xuất khẩu tôm, cá tra vào những tháng cuối 2023

Thứ năm, 31/08/2023, 14:03 PM

Các chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VN) (VASEP) cho biết trong bảy tháng đầu năm 2023, ước tính xuất khẩu thủy sản VN đạt gần 5 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mới đây, lượng hàng tồn kho từ các thị trường xuất khẩu của VN giảm dần. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường này sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của VN tăng trở lại.

Thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm nên trong hai quý đầu năm 2023 sản lượng xuất khẩu của VN giảm. Thách thức hiện nay của các doanh nghiệp (DN) là làm sao vượt qua những tháng còn lại của năm 2023 để lấy đà ổn định vào quý I, II-2024.

Theo VASEP, năm 2023 mặt hàng tôm dự kiến xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD; cá ngừ, mực đạt 870 triệu USD, bạch tuộc đạt 650 triệu USD…

“Theo chúng tôi, giải pháp cần thiết là giảm lượng hàng tồn kho cũng như sản lượng nuôi trồng vào quý II-2024, vì hiện nay nhu cầu xuất khẩu giảm. Đơn cử, lượng cá tra dưới ao thay vì bắt đúng size 900 g-1 kg thì nay đang là 1,5 kg. Vô hình trung dẫn đến lượng tồn kho của các DN lớn và lượng cá dưới ao tăng cao, khiến dòng tiền của các DN bị tắc nghẽn” - ông Văn nói.

Một số DN khác chia sẻ thêm đối với cá tra có nhiều yếu tố phải chú ý là giống, thức ăn, thuốc và dịch bệnh. Trong đó, đối với thức ăn thủy sản trước dịch 10.000 đồng/kg đến nay tăng bình quân 13.000/kg. Ngoài ra, để chế biến thức ăn thủy sản, DN Việt nhập khẩu bã đậu nành từ Ấn Độ, Achentina, Mỹ… Giá nhập hiện đã tăng 30%.

Ở ngành hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết xuất khẩu tôm VN đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh mẽ. Nguyên nhân do áp lực tôm giá rẻ từ Ecuador vẫn còn nhiều.

Đơn cử, trong tháng 8 xuất khẩu tôm chỉ giảm 15% so với cùng kỳ, trong khi bảy tháng đầu năm giảm đến 28%. “Tuy nhiên, đơn hàng quý III trên đà phục hồi tốt hơn các quý trước” - ông Lực nói.

Cần quảng bá mạnh mẽ đến thị trường trọng điểm

Theo các DN xuất khẩu, thời gian tới, để phục hồi hoạt động xuất khẩu, ngành thủy sản VN cần làm truyền thông mạnh mẽ, liên tục đến ba thị trường lớn là Trung Quốc, Mỹ, EU. Đặc biệt là mặt hàng cá tra, DN cần quảng bá hình ảnh về cá tra được nuôi trong môi trường sạch; được Nhà nước kiểm soát đảm bảo chất lượng, được cấp các chứng chỉ môi trường của thế giới…

Theo ông Hồ Quốc Lực, đối với tình hình xung đột tại một số quốc gia, lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Trung Quốc vẫn còn mới mẻ, chưa tác động nhiều đến thị trường.

Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam kỳ vọng tăng trở lại vào những tháng cuối năm. Ảnh: T.UYÊN

Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam kỳ vọng tăng trở lại vào những tháng cuối năm. Ảnh: T.UYÊN

Tuy nhiên, Trung Quốc là công xưởng thế giới, nếu quốc gia này không nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh gia công thì thị trường VN là lựa chọn tốt nhất. Song song đó, Nhật Bản là quốc gia mua tôm VN nhiều nhất nên sẽ có cơ hội lớn cho DN tôm xuất khẩu sang thị trường này.

Trong khi đó, ông Quách Phong, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Ipos, cho rằng thủy sản VN xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là tôm và cá basa. Hiện nay xuất khẩu thủy sản của VN chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường.

Có thể trước kia Trung Quốc nhập hàng từ EU, Canada, Mỹ. Khi các nguồn này không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, khiến giá thủy hải sản trong nước tăng, họ mới sẽ tìm nguồn nhập hàng thay thế.

“Các DN xuất khẩu thủy sản của VN nên đón đầu tình hình này và đặc biệt lưu ý về nhu cầu với mặt hàng tôm” - ông Phong nói.

Kỳ vọng những tháng cuối năm

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản VN, cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn được các DN Việt kỳ vọng sau khi mở cửa trở lại (tháng 1-2023) nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng. Tuy nhiên, tính đến nay thị trường không như dự đoán nên lượng hàng tồn kho của DN Việt còn nhiều.

Theo ông Hòe, hiện nay DN chỉ mong thị trường Trung Quốc phục hồi được như trước dịch. Ông kỳ vọng thời điểm này rơi vào giai đoạn chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp tết Nguyên đán. Đây là mùa người dân nước này tiêu thụ nhiều nhất. Cộng hưởng các yếu tố khách quan và sau khi các nhà nhập khẩu giải quyết tương đối hàng tồn kho, những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng trở lại.

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết sau hai năm thực hiện chính sách “zero COVID”, Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng sức mua của thị trường này giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo TS Điền, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, chúng ta cần cố gắng vượt qua khó khăn. Cạnh đó, tìm những thị trường ngách để chờ tình hình chung ổn định trở lại để có cơ hội phát triển tốt hơn.

Dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 9 tỉ USD

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, những ngày gần đây, một số DN nhận được khá nhiều nhu cầu đặt hàng xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc, trong đó mặt hàng cá tra được quan tâm.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cá tra Việt Nam với giá cả hợp lý sẽ có lợi thế đáp ứng cũng như nguồn cung ổn định là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

“Mặc dù giá cá tra xuất khẩu có giảm, DN, người nuôi bị giảm lợi nhuận nhưng chúng tôi kỳ vọng những tháng cuối năm thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn về nhu cầu cũng như giá cả xuất khẩu” - ông Hòe nói. Theo đó, riêng xuất khẩu cá tra năm 2023 dự kiến đạt 1,7 tỉ USD, giảm 30% so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023 dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022” - ông Hòe nói.

TÚ UYÊN

Theo plo.vn

largeer