Cổ đông hỏi Tổng giám đốc Eximbank có từ chức, sau 2 vụ mất tiền?

Thứ bảy, 28/04/2018, 05:35 AM

Một số cổ đông cho rằng hai vụ mất tiền tổng cộng gần 300 tỉ đồng gần đây có trách nhiệm của ban lãnh đạo Eximbank và tổng giám đốc ngân hàng có nên từ chức?

Ngày 27-4, Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã được tổ chức. Cùng với việc bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐTQ), nội dung được cổ đông quan tâm chất vấn ban lãnh đạo Eximbank là 2 vụ mất tiền tỉ của người gửi trong thời gian qua.

Tại đại hội, các cổ đông đã chất vấn lãnh đạo Eximbank liên quan đến vụ 6 khách hàng gửi hơn 50 tỉ đồng vào Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Nghệ An và khách hàng Chu Thị Bình, gửi 245 tỉ đồng vào Chi nhánh Eximbank TP HCM.

Một cổ đông đã 85 tuổi đứng lên phát biểu và bức xúc vì các vụ mất tiền vừa qua đã ảnh hưởng đến uy tín của NH, trách nhiệm của lãnh đạo Eximbank ra sao? Bà cho biết là một cổ đông sáng lập của NH đã nhiều năm nay và chưa từng rút tiền đầu tư kể cả những giai đoạn Eximbank khó khăn. Nhưng vừa qua, ngay trong nội bộ NH lại để xảy ra tình trạng phó giám đốc chi nhánh rồi nhân viên NH đi rút tiền của khách hàng và để cổ đông phải chịu ảnh hưởng. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo từ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc ở đâu?

Một cổ đông khác cũng truy trách nhiệm trong vụ mất tiền, hỏi ông tổng giám đốc NH có nghĩ đến chuyện từ chức không? Bởi những vụ việc đã ảnh hưởng đến uy tín NH, khiến giá cổ phiếu Eximbank lao dốc, ảnh hưởng tới cổ đông.

Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết đã định hướng xin HĐQT không tiếp tục ở vị trí CEO. Ảnh: Thái Phương

Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết đã định hướng xin HĐQT không tiếp tục ở vị trí CEO. Ảnh: Thái Phương

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết cả 2 vụ việc mất tiền đã xảy ra từ lâu, trong đó vụ mất tiền ở chi nhánh Đô Lương (Nghệ An) là từ khoảng năm 2012-2014 và vụ liên quan đến bà Chu Thị Bình từ khoảng năm 2010. Dù vậy, các vụ việc được phát hiện trong giai đoạn HĐQT hiện nay, nên với tư cách là người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm.

Theo tổng giám đốc Eximbank, sau các vụ việc, NH đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình và không phát hiện thêm trường hợp nào. NH cũng đã cải tiến một số quy trình nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro, đề nghị khách hàng kiểm tra tài khoản, sổ tiết kiệm qua SMS Banking, Mobile Banking…

Về câu hỏi có nên từ chức hay không? Ông Lê Văn Quyết cho biết cách đây 2 năm khi được nhận nhiệm vụ, ông đã cam kết sẽ đưa hoạt động NH Eximbank trở lại bình thường và cho đến nay, nhiệm vụ ấy đã hoàn thành.

"Tôi đã chính thức có ý kiến với HĐQT rằng nên tìm kiếm chức tổng giám đốc mới phù hợp với chiến lược của NH. Đây là câu trả lời của tôi để cổ đông được biết" - ông Quyết nói.

Đại diện Ban kiểm soát, ông Trần Lê Quyết cũng nhận trách nhiệm và cho biết qua vụ việc cũng đã kiến nghị với Ban điều hành sửa đổi các quy định giao dịch chặt chẽ hơn như áp dụng dấu vân tay… Ban kiểm soát cũng cam kết với cổ đông sẽ không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm, tháng 2-2017, Eximbank phát hiện số dư sổ tiết kiệm của bà Bình trên hệ thống có sự chênh lệch so với số dư thể hiện trên các sổ bà Bình đang giữ. Sau đó, Eximbank đã có đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh làm rõ.

Tháng 6-2017, cơ quan công an gửi thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Ngày 12-2017, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã đối với ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM.

Theo Eximbank, các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của chị Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của công an nên NH chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền theo yêu cầu của bà Bình. Hiện hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chờ phán quyết của tòa án, lãnh đạo Eximbank cho biết NH vẫn có thiện chí cùng khách hàng đi đến thỏa thuận "thấu tình đạt lý", đúng quy định pháp luật.

 T.Phương - T.Thơ

Theo NLĐ