Chuyên gia nói gì về đề án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu của TPHCM?

Thứ tư, 18/11/2020, 15:00 PM

Với tiềm lực nền kinh tế của TPHCM, theo một số chuyên gia, việc phát hành trái phiếu để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển là cần thiết.

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Tài chính về đề án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương. Theo một số chuyên gia kinh tế, với tiềm lực nền kinh tế của TP.HCM, việc phát hành trái phiếu để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển là cần thiết. 

Trên cơ sở tổng vay trong năm 2020 của thành phố (TP), hạn mức vay còn lại của năm 2020 tối đa là hơn 3.943 tỷ đồng, để huy động nguồn vốn từ xã hội nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, UBND TP trình HĐND TP đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 với tổng khối lượng phát hành là 2.000 tỷ đồng, nguồn vốn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu được đảm bảo từ nguồn thu ngân sách của TP.

30

UBND TPHCM đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận về điều kiện, điều khoản của trái phiếu chính quyền địa phương để TP được vay trong nước. Chủ thể phát hành trái phiếu là UBND TPHCM, ủy quyền cho công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP thực hiện toàn bộ nghiệp vụ tổ chức phát hành trái phiếu.

Khối lượng trái phiếu phát hành dự kiến là 2.000 tỷ đồng, với các kỳ hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm. Hình thức phát hành trái phiếu dự kiến là trái phiếu được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Mệnh giá trái phiếu dự kiến là 100.000 đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ở TPHCM là điều nên làm. Thứ nhất, vì TPHCM đã từng có kinh nghiệm phát hành trái phiếu công trình, đồng thời một số quỹ tại TPHCM cũng từng thực hiện phát hành trái phiếu.

Thứ hai, TPHCM có quy mô ngân sách lớn, khả năng thu về 1.000 tỷ đồng/ngày thì số tiền trái phiếu phát hành chỉ 2.000 tỷ đồng là con số nhỏ. Quy mô ngân sách này sẽ đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của TPHCM không bị “vỡ nợ”. 

Hơn nữa, mục đích phát hành trái phiếu không phải vì thâm hụt ngân sách mà là để đầu tư phát triển, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của TPHCM rất lớn. Từ đó, có thể thấy nhu cầu phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của TPHCM rất lớn và trong 63 tỉnh, thành thì TPHCM có ưu thế nhất, khả năng phát hành bao nhiêu sẽ bán được bấy nhiêu.

“Hội tụ các điều kiện trong quá khứ, nhu cầu hiện tại, khả năng mức độ an toàn thì TPHCM không nên phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo từng đợt mà đây nên là hoạt động thường xuyên, bởi nó sẽ trở thành công cụ tài chính, bổ sung cho thị trường công cụ tài chính tại Việt Nam, không phải thị trường sơ cấp mà cả thị trường thứ cấp”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói. 

Đồng quan điểm, tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng phát hành trái phiếu địa phương là kênh “mới” để huy động một lượng vốn đầu tư nhàn rỗi trong nước và ngoài nước để chi cả các khoản nợ xấu cũ và có thêm vốn đổ vào các dự án xây dựng.

Song, vấn đề là phải có phương án sử dụng nguồn tài chính này cho hiệu quả, bởi nếu dòng vốn bị phân bổ một cách lệch lạc và thiếu hiệu quả sẽ dẫn đến rủi ro vỡ nợ, tạo gánh nặng về nợ… 

Mặc dù các địa phương và TPHCM cho rằng mục đích phát hành trái phiếu là bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương, song không ai biết được địa phương đó dùng “đồng nào mua cá, đồng nào mua tép” cả. “Không nên trao quyền cho các địa phương có năng lực tài khóa yếu kém và thiếu các cơ sở thuế bền vững. Bởi, nếu khoản vay không làm gia tăng năng lực bù đắp thâm hụt ngân sách và cơ sở thuế thì có nguy cơ tạo ra vòng luẩn quẩn nợ nần.

Trước đây, TPHCM cũng từng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Nên chăng Bộ Tài chính yêu cầu TPHCM tổng kết lại xem những đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong quá khứ ra sao”, tiến sĩ Đinh Sơn Hùng đề xuất. 

Thanh Hoa 

Theo phunuonline