Chuyên gia cảnh báo: Viên uống chống nắng không có 'tác dụng thần kì' như quảng cáo

Thứ ba, 27/06/2023, 18:22 PM

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại viên uống chống nắng được bày bán tràn lan với nhiều tác dụng “thần kỳ”, đánh trúng tâm lý người mua như: Phòng ngừa ung thư da, chống lão hóa, da làm mờ rõ rệt những vết ban đỏ, nám lâu năm,…

Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, viên uống chống nắng không có tác dụng thần kỳ như được quảng cáo, các chị em cần hết sức lưu ý. Thành phần của các viên uống chống nắng thường bao gồm lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C. Đây là các chất có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với SPF 15.

Một số viên uống chống nắng khác có thể có glutathione, vitamin C có tác dụng làm trắng da nên một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của các chị em phụ nữ muốn chống nắng và làm trắng da. Cũng theo BS Thảo, việc quảng cáo viên uống chống nắng với công dụng bảo vệ da hoàn hảo từ bên trong là không thực sự chính xác. Viên uống chống nắng có vai trò hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, tuy nhiên chúng hoàn toàn không thể thay thế được kem bôi chống nắng. Bên cạnh đó, việc quảng cáo trị nám của viên uống chống nắng là hoàn toàn không đúng. "Việc điều trị nám da khá khó khăn, bởi khả năng tái phát rất cao, không có hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, việc điều trị nám phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì lâu dài", BS Thảo cho biết.

Những lời quảng cáo thổi phồng công dụng của viên uống chống nắng được bày bán công khai, tràn lan trên mạng

Những lời quảng cáo thổi phồng công dụng của viên uống chống nắng được bày bán công khai, tràn lan trên mạng

TS.BS Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ: “Các chuyên gia vẫn khuyến cáo rõ ràng và đầy đủ nhất là dùng kem chống nắng. Tuyệt đối là không sử dụng viên uống chống nắng với mục đích chung là thay thế kem chống nắng. Bởi trên lọ kem chống nắng bao giờ cũng ghi rõ là chống được tia UV bao nhiêu phần trăm. Nhưng, trên các viên uống, chúng ta không thấy được chỉ số này. Cho nên, sẽ không có khuyến cáo người dân tự đi mua và dùng viên uống chống nắng với chỉ định là chống nắng. Nên có sự tư vấn và trong một số trường hợp chúng ta nên uống và một số trường hợp khác chúng ta không nên uống và thay thế kem chống nắng thông thường”, bác sĩ Minh cho biết.

Khi dùng kem chống nắng, chúng ta bôi đủ liều thì khả năng chống lại ánh nắng xuyên vào da có thể lên đến 99,99% với chỉ số SPF đã nêu rất rõ. Nhưng, khi uống viên chống nắng, nó giảm được bao nhiêu tác hại viêm của ánh nắng trên da, chúng ta không có chỉ số đó. Viên uống chống nắng là hỗn hợp nhiều vitamin với nồng độ thấp thì cơ bản có loại có tác dụng có loại không. Còn việc gây ảnh hưởng thì rất ít. Thực tế, viên uống chống nắng rất đắt. Người ta không đủ khả năng uống một liều có hàm lượng độ cao để gây quá liều. Chống nắng đúng cách thì kem chống nắng vẫn là phương pháp ưu tiên hàng đầu. Thậm chí là khi uống viên uống chống nắng thì kem chống nắng vẫn không thể bỏ được.

Viên uống chống nắng chứa thành phần chăm sóc, bảo vệ da, nhưng không thể hoàn toàn thay thế kem chống nắng. Ảnh minh họa

Viên uống chống nắng chứa thành phần chăm sóc, bảo vệ da, nhưng không thể hoàn toàn thay thế kem chống nắng. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Minh, có một số trường hợp bác sĩ vẫn kê thêm viên uống chống nắng. Ví dụ như khi nhiệt độ lên quá cao và khả năng bôi kem chống nắng của bệnh nhân thấp. Một ngày phải bôi 4 đến 6 lần kem chống nắng, cách 2-3 tiếng bôi một lần nhưng bệnh nhân không thể bôi được như thế thì người ta có thể bôi một ngày 2 lần phối hợp với viên chống nắng để giảm nguy cơ bị bỏng nắng. Khi đó bác sĩ sẽ chỉ định và chỉ dùng viên uống chống nắng trong trường hợp đó thôi. Hay, khi bệnh nhân đang điều trị nám má mà không thể bôi kem được thì sẽ phối hợp giữa kem chống nắng và viên uống chống nắng để tránh nguy cơ bắt nắng quá nhiều cho bệnh nhân. Ảnh hưởng của ánh nắng trên da không phải nay ra nắng thì mai thành bệnh mà nó là một quá trình lâu dài, phức tạp, tạo ra các chất độc trong da và dần hủy hoại da.

Tia UV (gồm UV-A UV-B UV-C) là tia nổi bật nhất vì chúng ta không nhìn thấy. Nhiều người cho rằng ra ngoài nắng mới phải bôi kem chống nắng. Nhưng, ánh nắng mà chúng ta nhìn thấy không phải là tia UV mà nó nằm lẫn trong đó. Tia UV-C bị ngăn cản tốt nhất ở tầng ozone. UV-A, UV-B rất mạnh nên thông thường chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2 tia này. Tia UV-B thường gây ra bỏng nắng cũng gây ra ung thư da nhưng tác động vào da nông hơn và bị ngăn cản trong không khí nhiều hơn. Ví dụ, trời râm thì nó sẽ bị cản tới 95%. Trời mùa đông thì sẽ ít hơn. Nhưng, tia UV-A khác, xuyên được qua cả mây, qua một số chất liệu ngăn cản như áo. Nên tia UV-A được nhắc đến trong dự phòng chống lão hóa nhiều. Các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên bôi kem chống nắng hằng ngày kể cả khi trời mưa hay trời mây, trời râm, hay mùa đông không nhìn thấy mặt trời để chống tia UV-A”, bác sĩ Minh cho hay.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sản phẩm dược mỹ phẩm, chất lượng khó kiểm soát. Vì vậy, người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Khi mua, cần lựa chọn các sản phẩm đã được chứng nhận, cấp phép của Bộ Y tế và các tổ chức trên thế giới. Đặc biệt, người dân cũng cần tỉnh táo, tránh hiểu sai về công dụng thần kỳ ngay tức thì của sản phẩm này như nhiều lời quảng cáo “có cánh”.

KHÁNH MAI

Theo Vietq.vn