Chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số: Đổ phiền toái lên người dùng
Theo kế hoạch chuyển đổi mã mạng vừa được Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) công bố, kể từ 15-9-2018, thuê bao di động 11 số sẽ chuyển sang 10 số. Như vậy có khoảng 60 triệu thuê bao chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này. Mặc dù trách nhiệm trực tiếp đang đặt trên vai các nhà mạng, tuy nhiên làm thế nào đừng tiếp tục “hành” dân như đã từng xảy ra khi thực hiện quy định “chụp hình chân dung cho thuê bao”.
Lý do… “luôn có lý”
Kế hoạch chuyển đổi, thống nhất các thuê bao di động về 10 số nằm trong quy hoạch kho số viễn thông được Bộ TT-TT đặt ra tại Thông tư 22 ban hành năm 2015. Theo kế hoạch này, năm 2017, khi hoàn tất quy hoạch lại mã vùng cố định, cơ quan quản lý sẽ chuyển đổi thuê bao di động 11 số xuống còn 10 số. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay mới rục rịch thực hiện, tức là chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Sự cần thiết chuyển đổi mã mạng, theo giải thích của ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, là “vì sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông ra đời như 2G, 3G, 4G, 5G...; đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số”. Theo tính toán của Bộ TT-TT, kho số di động sau khi được quy hoạch lại sẽ lên tới 1 tỷ thuê bao. Số lượng này có thể duy trì ổn định lâu dài, cụ thể là có thể khai thác ổn định tới năm 2050.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, thuê bao di động 11 số (mã mạng 1XX; được cơ quan quản lý chính thức cấp cho các nhà mạng từ năm 2007) hiệu quả sử dụng không cao nếu so với thuê bao 10 số (mã mạng 9X). Ngoài ra, tỷ lệ số thuê bao di động dùng mã mạng 1XX rời mạng khá cao. SIM rác, tin nhắn rác cũng chủ yếu phát sinh từ mã mạng có độ dài 3 chữ số này. Vì vậy, việc chuyển đổi về mã mạng mới có độ dài 2 chữ số vừa tạo công bằng về độ dài quay số cho người sử dụng dịch vụ vừa góp phần hạn chế tỷ lệ thuê bao rời mạng, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác… cũng là một lý do thuyết phục.
Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi lâu dài thì trước mắt có khoảng 60 triệu thuê bao di động sẽ chịu ảnh hưởng. Thực tế gần đây, thuê bao 11 số đã trở nên phổ biến, không chỉ được dùng như một SIM thứ 2 hay SIM dữ liệu, SIM rác mà đã trở thành SIM chính chủ. Đã có nhiều người dùng sử dụng thuê bao 11 số để đăng ký cho dịch vụ “bên thứ 3” như ngân hàng, mạng xã hội…
Nhà mạng hứa
Để hạn chế tối đa tác động, Bộ TT-TT cho biết sẽ cùng các doanh nghiệp viễn thông thực hiện những biện pháp thông tin, tuyên truyền kết hợp các biện pháp kỹ thuật. Đại diện nhà mạng VinaPhone cho hay: Các phương án kỹ thuật đã được VinaPhone chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm khai báo, định tuyến mã mạng mới tại tất cả các hệ thống tổng đài di động, cố định; khai báo tại các hệ thống kỹ thuật mạng lưới; sửa đổi các hệ thống phần mềm đối soát, thanh toán, phân chia nội bộ… Nhà mạng MobiFone cũng cho hay sẽ tiến hành tất cả giải pháp để người dùng nhận thấy việc chuyển đổi mã mạng đơn giản. Đại diện Viettel đưa ra các cam kết tương tự, đồng thời tiết lộ Viettel đang xây dựng hệ thống phần mềm để hỗ trợ như trước đây từng hỗ trợ chuyển đổi mã vùng tự động thông qua ứng dụng My Viettel.
Trong bối cảnh cạnh tranh, việc các nhà mạng đưa ra các cam kết bảo vệ khách hàng bằng các giải pháp kỹ thuật, truyền thông là điều dễ hiểu để “khách hàng không giận dỗi bỏ đi với các nhà mạng khác”, song phía người dùng không khỏi lo lắng về mức độ phiền toái. Nguyên do, các dịch vụ phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Google (Gmail, Driver, YouTube...) hay Apple ID (App Store, iCloud...) thường được kích hoạt thêm lớp bảo mật OTP. Như vậy, khi việc chuyển đổi mã mạng diễn ra, người dùng có thể không nhận được mã xác thực vì OTP được gửi đến số điện thoại cũ, dẫn đến việc không đăng nhập được tài khoản. Phiền toái nữa là đối với số điện thoại đăng ký với ngân hàng, nhiều khả năng người dùng phải bỏ thời gian để ra ngân hàng làm đơn yêu cầu đổi số. Với phiền toái này, các nhà mạng thừa nhận rằng, chủ thuê bao bị chuyển đổi phải đăng ký lại các dịch vụ “bên thứ ba” có liên quan chứ nhà mạng không thể làm được việc ấy và cũng chưa có kế hoạch nào cho việc này.
Cách đây chưa lâu, xung quanh việc các nhà mạng triển khai quy định bổ sung ảnh chân dung cho thuê bao di động, hàng triệu chủ thuê bao bất chấp mưa nắng ùn ùn ra điểm giao dịch nhà mạng để bổ sung, khai báo. Thế nên ai dám khẳng định, khi đến thời điểm chuyển đổi 11 số thành 10 số, người dân lại không tiếp tục mệt mỏi, phiền hà, rắc rối tại các điểm giao dịch của... ngân hàng!
Việc chuyển đổi mã mạng được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 0 giờ ngày 15-9 đến hết ngày 14-11) thực hiện quay số song song (áp dụng cả cách quay số cũ và mới). Giai đoạn 2 (từ 0 giờ ngày 15-11-2018 đến hết ngày 30-6-2019) cuộc gọi theo mã mạng mới được tiến hành bình thường; các cuộc gọi theo mã mạng cũ sẽ nhận được thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho biết mã mạng đã thay đổi và hướng dẫn quay số theo mã mạng mới. Giai đoạn 3 (sau ngày 30-6-2019) thông báo này sẽ kết thúc, cuộc gọi sẽ chỉ thực hiện thành công khi người sử dụng quay số theo mã mạng mới.
BÁ TÂN - THU HÀ
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam