Chuỗi concung “Lừa dối người tiêu dùng”

Thứ ba, 24/07/2018, 10:30 AM

Đó là nhận định của Tổ Công tác 334 Bộ Công thương và Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM, khi kiểm tra thực tế tại các điểm bán hàng của hệ thống siêu thị mẹ bầu và em bé Con Cưng (Concung) chiều ngày 22/7/2018.

Tổ Công tác 334 Bộ Công thương và Chi Cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra thực tế tại các điểm bán hàng concung

Tổ Công tác 334 Bộ Công thương và Chi Cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra thực tế tại các điểm bán hàng concung

Chỉ qua hơn một tiếng kiểm tra hàng hóa tại các điểm bán hàng số 78 Tôn Thất Tùng (Q.1), 424 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) và số 833-835 Hồng Bàng (Q.6, TP.HCM), Tổ Công tác 334 Bộ Công thương và Quản lý Thị trường TP.HCM đã xác định kha khá vi phạm. Nhận định ban đầu, lỗi vi phạm ở hệ thống siêu thị Concung này chính là “lừa dối người tiêu dùng”.

Tình trạng chung của các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng Concung, theo đoàn kiểm tra, là thông tin sản phẩm mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn sơ sài, tem nhãn tên công ty sản xuất này dán đè lên tên công ty sản xuất khác.

Kem massage bụng TiTiOne có đến hai nhà sản xuất

Kem massage bụng TiTiOne có đến hai nhà sản xuất

Sữa tắm Johnson’s Baby có hai thông tin sản phẩm khác nhau dù cùng một loại

Sữa tắm Johnson’s Baby có hai thông tin sản phẩm khác nhau dù cùng một loại

Một trong những sản phẩm chứa thông tin đầy mập mờ là kem massage bụng TiTiOne. Sản phẩm cùng tên thương hiệu, cùng kiểu dáng nhưng có đến hai nhà sản xuất ở hai nơi khác nhau. Đó là Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne (170 tổ 8, ấp Long Hòa, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và Công ty TNHH G&C (413, đường số 1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM). Ngoài ra, sản phẩm sữa tắm Johnson’s Baby cũng có hai thông tin sản phẩm khác nhau dù cùng một loại. Tem dán sản phẩm sơ sài khiến người tiêu dùng mơ hồ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Hùng, Cục Phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 Bộ Công thương cho biết, sẽ báo cáo với các cơ quan ban ngành trung ương để kiểm tra về chất lượng hàng hóa các cửa hàng Concung trên cả nước. “Chúng tôi phải xác định rõ hàng hóa tại hệ thống Concung đã được các cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra chất lượng cho phép chưa. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Chẳng hạn các loại mỹ phẩm như kem, phấn có bao bì xộc xệch, tạo cho chúng tôi nghi ngờ về chất lượng hàng hóa bên trong”, ông Hùng cho biết.

Trước đợt kiểm tra này, đã có khách hàng phản ánh về tình trạng nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của cửa hàng Concung. Cụ thể, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh đến siêu thị concung tại số 788 Âu Cơ (P.14, quận Tân Bình) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng. Khi ông Vĩnh mang sản phẩm về nhà giặt thì phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là “Made in Thailand”. Ông nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm của Concung không rõ ràng và gắn mác “ngoại” vào để tăng giá trị sản phẩm.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 Bộ Công thương cùng đoàn kiểm tra thực tế tại cửa hàng concung

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 Bộ Công thương cùng đoàn kiểm tra thực tế tại cửa hàng concung

Dương Nguyễn - Vũ Hoàng

Theo NTD