Chứng khoán Việt Nam ngược dòng châu Á, vì sao?
Trước đà lao dốc của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua, cũng như căng thẳng địa chính trị sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và Nga, chứng khoán châu Á trong phiên hôm nay giảm mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam bất ngờ đi ngược dòng chứng khoán châu Á.
Châu Á đỏ lửa
Tính đến 15 giờ chiều nay (13/8/2018), chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm mạnh 427 điểm, tương đương 1,51%. Chỉ số này đã có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong ngày tại 27.823 điểm, tức giảm đến 543 điểm, tương đương 1,9% so với tham chiếu đầu ngày. Tương tự chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 441 điểm, tương ứng gần 2%. Chỉ số chứng khoán Singapore giảm hơn 1%. Chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải giảm 0,34% và chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 0,32%.
Vào cuối tuần qua, Mỹ đã quyết định tăng thuế lên gấp đôi so với các sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ theo đó đã rớt không phanh 13% chỉ trong 1 phiên giao dịch, kết thúc tuần giảm mạnh 20% và nếu so với đầu năm nay đã rớt hơn 40%. Trong sáng nay đồng tiền này vẫn tiếp tục chìm sâu so với đồng USD.
Khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhà đầu tư lo ngại tình trạng này sẽ lây lan các nền kinh tế mới nổi và cận biên khác, đồng thời tháo chạy khỏi những kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán và tìm đến các tài sản an toàn như đô la Mỹ, yên Nhật hay franc Thụy Sĩ.
Trong khi đó, Mỹ gần đây đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran sau khi nước này không đồng ý đề xuất đàm phán mới từ phía Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt mới lên nước Nga, khiến tình hình giữa 2 cường quốc này thêm căng thẳng. Đồng ruble của Nga lẫn thị trường chứng khoán của nước này đã chịu áp lực giảm sâu trong bối cảnh nền kinh tế trở nên không chắc chắn trước những chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể đồng ruble đã giảm 5% so với đô la Mỹ, trong khi chứng khoán cũng chìm sâu 9%.
Việt Nam ngược dòng
Trong tình hình trên, chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài diễn biến chung khi trong phiên sáng chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, có lúc chỉ số VN Index giảm hơn 5 điểm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên chiều, diễn biến giao dịch càng tích cực trở lại với hàng loạt cổ phiếu chuyển từ đỏ sang xanh. Kết phiên VN Index tăng mạnh 9,57 điểm, tương đương 0,99%, lên 978,04 điểm. HNX Index tăng 2,05 điểm, tương đương 1,89%, đóng cửa tại 110,46 và Upcom Index tăng 0,26 điểm, tương đương 0,51% lên 51,62 điểm.
Số lượng cổ phiếu tăng chiếm đa số, với 161 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh trên sàn HOSE, nhiều hơn số mã giảm là 133 cổ phiếu. Con số tương ứng trên sàn HNX là 100 mã tăng và 59 mã giảm, trên Upcom là 78 mã tăng và 66 mã giảm.
Những thông tin tích cực liên tiếp gần đây trong nước được xem là yếu tố hỗ trợ thị trường đi ngược với chứng khoán thế giới. Cụ thể một báo cáo gần đây cho thấy hệ số P/E của chỉ số VN Index hiện đã giảm xuống mức thấp chỉ còn 17 lần, gần như thấp nhất trong khu vực. Cụ thể VN Index chỉ xếp sau chỉ số STI của Singapore với P/E 11,74, và thấp hơn hẳn so với các chỉ số chứng khoán PSE của Philippines, JCI của Indonesia đều có P/E hơn 20 lần.
Mức 17 lần cũng là tương đương so với giai đoạn cùng kỳ năm trước, dù chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20%. Việc P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều biến động so với cách đây một năm đến từ sự tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua của nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Thống kê kết quả kinh doanh quý 2/2018 cho thấy tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đạt 34.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận nhóm VN30 đạt 28.400 tỷ đồng, chiếm 83% lợi nhuận thị trường, tăng trưởng 22% so với quý 2/2017.
Những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong quý 2 có thể kể tới GAS (lãi 3.122 tỷ đồng, tăng 73%), VCB (lãi 2.927 tỷ đồng, tăng 45%), MSN (lãi 2.215 tỷ đồng, tăng 916%), HPG (lãi 2.196 tỷ đồng, tăng 43%), BID (lãi 1.964 tỷ đồng, tăng 123%), MBB (lãi 1.491 tỷ đồng, tăng 35%).
Báo cáo của Bloomberg cũng cho thấy dù vẫn chịu áp lực bán từ khối ngoại nhưng Việt Nam tiếp tục là thị trường thu hút dòng vốn ngoại khá tốt trong năm 2018 với giá trị mua ròng từ đầu năm tới nay đạt gần 32.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD), trong khi đó hầu hết các thị trường khác trong Đông Nam Á đều bị khối ngoại bán ròng.
Về áp lực rủi ro lãi suất và tỷ giá gần đây, các ngân hàng gần đây đã cam kết đồng thuận giữ nguyên lãi suất trong một cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong khi đó, hôm 7/8 ông Andreas Hauskrecht, giáo sư trường Đại học Indiana Hoa Kỳ, Thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam đã có những nhận định khá tích cực về thị trường ngoại hối trong nước, khi cho rằng tỷ giá không phải là mối lo ngại của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Thậm chí ông còn dự báo NHNN Việt Nam sẽ mua vào USD trở lại trong những tháng cuối năm và tiền đồng sẽ tăng giá chứ không phải mất giá.
Ông Hauskrecht cũng đánh giá từ nay đến cuối năm 2018 không có dấu hiệu nào cho thấy dòng vốn rút khỏi Việt Nam khi thị trường vẫn còn đang hấp dẫn cho dù rủi ro quốc gia có tăng lên. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn hơn rất rất nhiều lần so với dòng vốn gián tiếp (FII) vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu, do đó cũng không có mối đe dọa tức thì nào về khả năng rút vốn. Đặc biệt, với quy mô dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hiện nay, NHNN hoàn toàn có năng lực để kiểm soát đồng nội tệ.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại cũng bất ngờ quay lại mua ròng trên thị trường với tổng giá trị mua ròng là 79 tỷ đồng, càng hỗ trợ tâm lý thị trường, trong đó trải đều tại nhiều cổ phiếu trên sàn HOSE như VJC 27,4 tỷ đồng, SSI 26,1 tỷ đồng, BID 23,9 tỷ đồng, DH 20,2 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng 30,8 tỷ tại PVS, còn trên UPCOM khối ngoại mua ròng VEA hơn 16 tỷ đồng. Ở chiều bán ra của khối ngoại, đáng chú ý có VNM bị bán ròng 59,8 tỷ đồng, VIC gần 40,5 tỷ đồng, VHM 37,8 tỷ đồng và NVL 20,2 tỷ đồng.
ĐỒNG AN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường