Chứng khoán đã tạo đáy?

Thứ hai, 28/08/2023, 11:06 AM

Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy ngắn hạn nhưng để tăng mạnh trở lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Sau cú giảm sốc hơn 55 điểm của VN-Index cùng áp lực bán tháo và khối lượng giao dịch kỷ lục của ngày 18-8, trong tuần giao dịch vừa qua, các nhà đầu tư ít nhiều đã lấy lại bình tĩnh. Họ không còn quá lo lắng về những "cú sập" liên tục như năm 2022.

Nhà đầu tư bớt lo

Không ít nhà đầu tư còn tự tin "bắt đáy" khi nhận thấy nhiều mã chứng khoán đã giảm về vùng giá hấp dẫn, nhất là các nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản. Lực cầu này mạnh đến mức có thể kéo nhiều cổ phiếu từ giá sàn bật tăng mạnh, cũng như VN-Index từ chỗ giảm hơn 30 điểm đã "rút chân" đi lên và tăng nhẹ trong ngày 22-8.

Đến phiên 24-8, VN-Index bật tăng gần 17 điểm. Hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản, chứng khoán tăng giá mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước hoãn thi hành các quy định cấm cho vay theo Thông tư 06 và có thông tin hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) vận hành vào cuối năm.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng thông tin hỗ trợ liên quan việc Ngân hàng Nhà nước ngừng thi hành một số quy định trong Thông tư 06 gỡ rào cản cho vay đã kích hoạt lực cầu bắt đáy trong phiên 24-8, giúp các chỉ số chứng khoán phục hồi.

"Việc hoãn thực hiện Thông tư 06 tác động tích cực tới diễn biến của các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, qua đó giúp chặn đà giảm của thị trường. Tuy nhiên, sau một nhịp giảm điểm khá mạnh, tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng. VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong vùng 1.160 - 1.200 điểm với thanh khoản thấp trong tuần giao dịch tới, trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn sau kỳ nghỉ lễ 2-9" - ông Hinh nhận xét.

Một số công ty chứng khoán khác cho rằng nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường đã được dự báo. Đây là sự vận động tất yếu, lành mạnh và cần thiết để thị trường tích lũy thêm nội lực. Công ty Chứng khoán SHS kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn trước khi hình thành nền tích lũy mới, chuẩn bị cho xu hướng tích cực tiếp theo.

Lực cầu “bắt đáy” của nhiều nhà đầu tư tuần qua đã giúp thị trường chứng khoán ngừng rơi và hồi phục ấn tượng.Ảnh: Tấn Thạnh

Lực cầu “bắt đáy” của nhiều nhà đầu tư tuần qua đã giúp thị trường chứng khoán ngừng rơi và hồi phục ấn tượng.Ảnh: Tấn Thạnh

Phân tích sâu hơn, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), nhận định trong nhịp tăng từ tháng 5 đến giữa tháng 8, gần như thị trường chứng khoán trong nước không có sự điều chỉnh nên việc giảm mạnh như vừa qua cũng không quá bất ngờ. Hiện nay, thông tin báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2023 của các DN đã công bố, bức tranh lợi nhuận không quá khả quan. Hầu hết cổ phiếu đã giảm 10%-15% và đang hình thành vùng cân bằng mới quanh 1.170 - 1.180 điểm của VN-Index, tích lũy rồi mới đi lên.

"Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán dậy sóng thị trường là nhờ hiệu ứng lan tỏa tích cực từ việc hoãn một số quy định cấm cho vay của Thông tư 06, cũng như nhiều công ty chứng khoán đã qua vùng đáy về lợi nhuận trong quý II vừa qua. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và mặt bằng lãi suất đi xuống. Chứng khoán vẫn là kênh có mức sinh lời hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác" - ông Ngọc nhìn nhận.

3

Động lực tăng trưởng vẫn còn

Một yếu tố khác giúp thị trường chứng khoán khó giảm sâu ở thời điểm này, theo các chuyên gia, là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp khi 7 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 4,6%. Trong bối cảnh này, dòng tiền gần như không tìm được kênh đầu tư nên khi chứng khoán điều chỉnh về mức phù hợp, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia.

Tại hội thảo "Tích lũy vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" diễn ra cuối tuần qua, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. 

Ông Sơn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2023, khi tăng tới 22% so với cuối năm ngoái, đưa Việt Nam vào nhóm những thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới. Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã qua.

Theo ông Sơn, xu hướng thời gian tới của thị trường chứng khoán sẽ được dẫn dắt bởi sự kỳ vọng vào lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết phục hồi dần trong 2 quý cuối năm. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn quyết định xu hướng tăng của thị trường là thanh khoản. Nửa đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân chỉ khoảng 12.000 - 13.000 tỉ đồng/phiên nhưng từ cuối tháng 6 đến nay đã nhảy vọt lên gấp đôi, ở mức 24.000 - 27.000 tỉ đồng/phiên.

"Thị trường sẽ bước vào nhịp tăng mới khi kinh tế phục hồi, đặc biệt là với những thông tin như hệ thống KRX sắp đi vào vận hành sẽ góp phần tạo sự thông thoáng về đặt lệnh giao dịch, thanh khoản cũng như tránh sai sót. Nhiều sản phẩm mới hơn từ KRX sẽ được triển khai, trong đó chu kỳ giao dịch T+2,5 ngày như hiện nay có thể rút ngắn thêm, thậm chí rút xuống T0 (mua bán cổ phiếu trong ngày)… sẽ là cú hích và hướng đến việc nâng hạng thị trường trong tương lai" - ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, dẫn chứng về lượng tài khoản chứng khoán mở mới gần đây vượt 150.000 tài khoản mỗi tháng, cho thấy dòng tiền đang chảy vào kênh đầu tư này. Có điều, dòng tiền mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn sẽ khiến VN-Index dễ biến động và dao động với biên độ mạnh. Để thị trường chứng khoán tăng bền vững trong dài hạn, cần sự tham gia của khối ngoại như "bệ đỡ" nhất định và trở thành đối trọng, nhất là ở những phiên thị trường giảm mạnh. 

Thấy gì từ động thái bán ròng của khối ngoại?

Một điểm đáng chú ý trong tuần qua là động thái bán ròng của khối ngoại. Họ bán ròng lên tới 1.800 tỉ đồng trên sàn HoSE mà theo giới phân tích, nguyên nhân đến từ việc lo ngại tỉ giá USD/VNĐ. Ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng thị trường chứng khoán đi lên chủ yếu nhờ kỳ vọng từ lãi suất thấp khi Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Để làm điều này, cần phải có sự ổn định của tỉ giá, với biên độ mất giá mỗi năm khoảng 2%-3%. Vừa qua, khi áp lực tỉ giá tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang điều chỉnh gây lo ngại rằng cơ quan điều hành khó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng - vốn là động lực chính cho chứng khoán đi lên.

 THÁI PHƯƠNG

Theo nld.com.vn

largeer