Chứng khoán chìm trong u ám
Thị trường chứng khoán châu Á và trong nước hôm 3-7 nhìn chung tiếp tục chìm trong u ám giữa lúc nhà đầu tư lo ngại cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ tồi tệ hơn trong thời gian tới
Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật Bản) có lúc 1,4%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9-2017. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm 0,12% khi thị trường đóng cửa.
Riêng ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite có lúc giảm 1,9%, xuống mức thấp nhất trong 10 tháng trước khi hồi phục và tăng 0,41% khi thị trường đóng cửa. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông không may mắn như thế khi giảm 1,41%. Các thị trường tài chính Trung Quốc đang lo lắng bởi chỉ còn vài ngày nữa là Mỹ bắt đầu áp thuế lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. "Hiện chưa rõ cuộc tranh cãi thương mại hiện nay có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu hay không nhưng rõ ràng sẽ làm tổn hại các công ty Trung Quốc. Đó là lý do tình trạng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đang xảy ra. Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ít nhất là ngày 6-7 (thời điểm biện pháp đánh thuế của Mỹ có hiệu lực)" - chuyên gia Ayako Sera của Ngân hàng (NH)Sumitomo Mitsui Trust (Nhật Bản) nhận định với hãng tin Reuters.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ đang đối đầu với không ít nền kinh tế lớn khác về vấn đề thương mại, khiến các thị trường tài chính không khỏi bất an những tuần gần đây.
Với đà giảm liên tục trong quý II/2018, chứng khoán Việt Nam dẫn đầu thế giới về mức độ giảm điểm. Đặc biệt, trong 2 phiên giao dịch đầu tháng 7, đặc biệt là phiên ngày 3-7, trước làn sóng bán tháo của chứng khoán châu Á, chứng khoán Việt Nam lại lao dốc không phanh: VN-Index rớt xuống mức thấp nhất từ cuối năm 2017, HNX-Index mất mốc 100 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3-7, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%), còn 906,01 điểm; HNX-Index giảm 3,97 điểm (-3,86%), còn 98,8 điểm.
Nhóm cổ phiếu NH với nhiều mã như VPB, BID, CTG, TCB và STB kết thúc phiên giao dịch ở mức giá sàn; cả khối nội lẫn ngoại tập trung bán mạnh nhóm cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán (HCM, VCI, SSI, SHS, AGR...) cũng chịu chung số phận. Hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VHM và VIC bị bán giá sàn. Trong đó, VIC bị khối ngoại bán ròng khoảng 2,2 triệu cổ phiếu. Thanh khoản thị trường có cải thiện so với các phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp: tổng khối lượng giao dịch sàn HoSE và HNX chỉ đạt 237,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch 5.454 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán, có thể có hiện tượng "đánh xuống" thị trường chứng khoán cơ sở để hưởng lợi từ thị trường phái sinh nhưng ảnh hưởng không quá lớn. Thị trường phái sinh vẫn theo thị trường cơ sở nên có thể nói thị trường giảm mạnh là do có sự "đánh xuống" thị trường cơ sở để hưởng lợi. Ngoài ra, chứng khoán giảm mạnh một phần là do niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư mất dần, đó mới là vấn đề mà chính các nhà tạo lập thị trường cần quan tâm bởi gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã lên sàn với giá rất cao nhưng sau đó giảm sâu liên tục khiến nhà đầu tư lung lay niềm tin vào sự tăng trưởng thực tế, nội lực thực tại của doanh nghiệp.
Giá USD vẫn neo cao
Gần cuối ngày 3-7, giá USD trong NH thương mại và trên thị trường tự do vẫn tiếp tục neo ở mức cao sau khi NH Nhà nước lên tiếng sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giao dịch USD mua vào 22.990 đồng/USD, bán ra 23.090 đồng/USD, giá bán ra tăng thêm 40 đồng/USD so với cuối phiên trước. Trên thị trường tự do, một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD mua vào 23.120 đồng/USD, bán ra 23.180 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD so với phiên trước. Trong khi đó, tỉ giá trung tâm được NH Nhà nước công bố ở mức 22.635 đồng/USD, ổn định so với phiên trước.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn - HSBC Việt Nam, phân tích yếu tố mùa vụ - nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng cao của doanh nghiệp nhập khẩu trong những ngày cuối tháng, cuối quý và nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp khối FDI là những yếu tố khiến tỉ giá tăng những ngày qua. Đáng lưu ý, những diễn biến bất ổn về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trên thị trường quốc tế đã đẩy tâm lý nhà đầu tư vào trạng thái tiêu cực. Các yếu tố như đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền chủ chốt, đồng nhân dân tệ liên tục trượt giá kỷ lục (mất giá hơn 3% chỉ trong vòng 2 tuần so với USD) cùng với dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường vốn châu Á… cũng ảnh hưởng tới sự ổn định của VNĐ.
T.PHƯƠNGSơn Nhung - Phương Võ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội