Chuẩn giáo viên: Đặt ra cho có?
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó có chuẩn về ngoại ngữ, là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi.
Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV) cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.
Xếp loại giáo viên theo 4 mức
Các tiêu chuẩn gồm: Phẩm chất nhà giáo; phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình - xã hội và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
Ở tiêu chuẩn cuối cùng, mức đạt là GV có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với GV dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc. Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc. Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với GV ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc…
Theo quy định mới, GV tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá GV theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. GV xếp loại tốt phải có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn phát triển chuyên môn nghiệp vụ đạt mức tốt.
Mức khá là có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí về chuyên môn nghiệp vụ đạt mức khá trở lên. Mức đạt có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên. Nếu có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó) thì GV sẽ bị xếp loại chưa đạt.
Lao đao vì chuẩn ngoại ngữ
Chuẩn nghề nghiệp GV, trong đó có chuẩn về ngoại ngữ, vừa được ban hành đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP.HCM), cho rằng trong 15 tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp GV thì tiêu chí nào cũng cần thiết. Thực tế có nhiều GV băn khoăn về tính khả thi của tiêu chí số 14 và 15 về yêu cầu sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Theo ông Cang, đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đổi mới giáo dục. Sự sáng tạo, đổi mới của chính người thầy sẽ bị hạn chế nếu hai tiêu chí này không đủ chuẩn. Thậm chí nếu có thể, đây phải là hai tiêu chí xếp đầu tiên trong đánh giá chuẩn GV. "Nâng chuẩn GV là yêu cầu cần thiết, nghĩa vụ của người thầy. Tuy nhiên, nghĩa vụ đó phải đi kèm với quyền lợi họ được hưởng" - ông Cang nói.
Cô Bùi Thị Kiều, GV Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), cho rằng hầu hết GV đều có ý thức tự học, tự nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo quy định của ngành. Đã có nhiều thầy, cô vượt chuẩn nghề nghiệp so với yêu cầu. Tất cả những tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp đều cần thiết và nên áp dụng. Riêng với yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học, có thể "ngoại lệ" với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu. Với những GV còn nhiều năm công tác phải học, bổ sung những tiêu chí còn thiếu. Theo cô Kiều, môi trường giáo dục ngày càng năng động, hội nhập, nếu không có nền tảng để hội nhập thì người thầy sẽ bị thụt lùi. Ngay cả những tài liệu về tâm lý hiện nay cũng toàn bằng tiếng Anh, nếu giáo viên không đạt chuẩn sẽ khó đủ tầm để giảng dạy cho học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), thì cho rằng việc GV có ngoại ngữ là cần thiết nhưng thực tế hiện nay, ngay cả nhiều GV ngoại ngữ cũng không đạt chuẩn. "Vì thế đưa ra những yêu cầu về ngoại ngữ thì nhà nước cần có sự hỗ trợ để GV nâng cao năng lực chứ không phải quy định đánh đố, khó thực hiện" - ông Lâm nhấn mạnh.
Một lãnh đạo của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) nhận định GV phải biết ngoại ngữ là yêu cầu chính đáng của giáo dục, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu về ngoại ngữ đối với GV phải có lộ trình vài chục năm chứ không thể đạt được ngay lập tức.
Theo nhà giáo này, nếu áp dụng cứng nhắc thì rất nhiều GV sẽ không đạt được tiêu chuẩn này bởi sử dụng được ngoại ngữ phục vụ cho công việc sẽ còn là một thách thức lớn đối với GV các bộ môn ngoài ngoại ngữ.
Lương đã đạt chuẩn đâu!
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng có nhiều cách nâng cao chất lượng GV chứ không phải chỉ áp dụng các tiêu chuẩn cứng nhắc trên. Theo ông, điều quan trọng là làm từ gốc, tức là cần siết chặt đầu vào các trường sư phạm; tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc để đào tạo, cho ra trường những GV thật sự có chất lượng. Thay đổi cách thi tuyển công chức GV sao cho thực chất, công bằng, hiệu quả.
Ông Lâm cũng nhấn mạnh để khuyến khích GV tự hoàn thiện mình thì đi kèm chuẩn mới cần có chế độ lương, thưởng tương xứng với các mức độ khác nhau theo bảng đánh giá GV. "Nếu Bộ GD-ĐT ban hành các loại chuẩn cho GV, trong khi lương thì không đạt chuẩn để lo đủ cho đời sống của họ thì thật vô lý" - TS Lâm nói.
YẾN ANH - ĐẶNG TRINH
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội