Chưa phát hiện quan chức góp vốn để xây chùa kinh doanh
Sáng 6/6, "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã khẳng định như vậy.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn, dư luận cho rằng có hiện tượng kinh doanh chùa, đền thờ để trục lợi, thực tế có như vậy không?
"Có ý kiến hỏi có kinh doanh chùa hay không? Thưa Quốc hội, theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có kinh doanh chùa. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tân cũng nhận tình trạng một số cá nhân có lợi dụng cơ sở thừa tự Phật giáo, niềm tin của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan, để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về chất vấn làm rõ việc có hay không một số cán bộ góp tiền xây chùa để kinh doanh của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói: theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ thì "hiện chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây chùa để kinh doanh trục lợi".
Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thừa tự tôn giáo là do người dân và doanh nghiệp đóng góp, Bộ trưởng thông tin thêm.
Không có "chùa BOT"
Cùng mối quan tâm, chiều 5/6 đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chất vấn về việc thương mại hóa trong việc xây dựng chùa tâm linh, tạm gọi là chùa BOT, ở đó có việc một số quan chức đóng cổ phần vào xây dựng chùa BOT để kiếm lời sau khi công trình hoạt động hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời, việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
"Quản lý tôn giáo thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ, tuy nhiên về khía cạnh văn hóa, quản lý của mình thì tôi chưa có thông tin nào liên quan đến sự đóng góp của các quan chức như đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói trong câu hỏi của mình để xây dựng chùa. Chúng tôi cũng đề nghị nếu đại biểu thấy thông tin gì thì có thể cung cấp cho Quốc hội, và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng trả lời.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng: "tôi nói lại không có khái niệm chùa BOT đâu, chúng ta đừng có lấy những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để nói như thế là không được, xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo là không được".
Sau khẳng định của Bộ trưởng Thiện, Chủ tịch Quốc hội nói tiếp: "đại biểu Quốc hội khi chất vấn thì cũng sẽ chịu trách nhiệm với câu hỏi của mình. Do đó những thông tin như Bộ trưởng nói là chưa có thông tin về việc quan chức đóng góp xây dựng chùa rồi là chùa BOT gì đó thì đề nghị nếu đại biểu Quốc hội có thông tin chính xác thì xin cung cấp để Quốc hội cũng giám sát việc này và các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định".
Sáng 6/6, sau khẳng định của Bộ trưởng Tân, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng khẳng định "không có chùa BOT".
"Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân địa phương xây dựng và quản lý. Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu bằng 1 cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, là mặc dù rất ít, nhưng cũng có những con sâu làm rầu nồi canh.
Những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, ứng xử chưa phù hợp với phật tử đến lễ chùa, đều đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo Hiến chương và nội quy của Giáo hội.
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung dúng, bao che cho một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc, khi vi phạm Giáo luật", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Hà Vũ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội