Chưa đến "tháng cô hồn", tiêu thụ xe đã giảm, doanh số Toyota giảm sốc 4.000 chiếc
Trước tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch), doanh số bán xe đã ghi nhận giảm 9% so với tháng trước. Đáng chú ý nhất trong tháng này là Toyota, liên doanh xe số 1 tại Việt Nam, tiếp tục bị giảm doanh số so với các đối thủ....
Trước tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch), doanh số bán xe đã ghi nhận giảm 9% so với tháng trước. Đáng chú ý nhất trong tháng này là Toyota, liên doanh xe số 1 tại Việt Nam, tiếp tục bị giảm doanh số so với các đối thủ. Điều này dự đoán những diễn biến hết sức khó lường cho thị trường xe cuối năm.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 7 đạt hơn 21.400 chiếc, trong đó xe du lịch đạt hơn 14.100 chiếc, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ xe tại Việt Nam. Tháng 7, xe du lịch tiêu thụ giảm nhẹ 9%, xe thương mại giảm 4% và xe chuyên dụng giảm 19% so với tháng trước.
Xe tiêu thụ tháng 7 giảm nhẹ
Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước giảm 6%, chỉ đạt 18.000 chiếc so với tháng trước, lượng xe nhập tiêu thụ giảm 18%, chỉ đạt 3.300 chiếc.
Về doanh số bán hàng 7 tháng đầu năm, theo VAMA, lượng bán xe lắp ráp trong nước đạt hơn 124.700 chiếc, tăng hơn 12% (hơn 13.000 chiếc) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xe nhập giảm chỉ còn 23.700 chiếc, giảm 45% (19.700 chiếc) so với cùng kỳ.
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, doanh số xe SUV và xe bán tải (pickup) giảm khá mạnh. Cụ thể xe SUV giảm hơn 800 chiếc so với cùng kỳ năm trước và hơn 7.000 chiếc so với 7 tháng đầu năm 2017.
Xe pickup tháng 7 bán ra giảm trên 1.300 chiếc, 7 tháng đầu năm giảm hơn 7.000 chiếc so với cùng kỳ.
Các dòng xe có doanh số tiêu thụ tăng mạnh là sedan, các dòng xe đa dụng cỡ nhỏ Crossover, MPV. Doanh số bán trong tháng 7 của dòng xe sedan đạt 7.500 chiếc, tăng gần 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, hai dòng xe Crossover và MPV cũng lần lượt tăng doanh số bán hơn 700 chiếc và 300 chiếc so với cùng kỳ.
7 tháng đầu năm, dòng sedan bán ra tăng hơn 10.600 chiếc, trong khi đó, các dòng xe Crossover và MPV tăng từ 2.400 đến gần 3.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, việc giảm doanh số bán các dòng xe SUV đã được cảnh báo từ trước đây khi các mẫu xe này tập trung lớn vào các dòng xe giá bán cao, bị tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó giá xe toàn thị trường có xu hướng giảm nhẹ, nhu cầu không cao nên doanh số tập trung vào xe giá rẻ.
Ông lớn Toyota đang dần mất thị phần
Việc giảm doanh số của xe bán tải Pickup là do thời gian qua, xe này về Việt Nam bị hạn chế, xe bán tải Thái Lan trong tháng 7 mới được bổ sung thêm dòng xe của Nissan Navara hay mới đây là Mazda BT50.
Về doanh số bán hàng của các hãng Toyota và Chevrolet giảm khá mạnh. Doanh số bán xe 7 tháng năm 2018 của đại gia xe Nhật giảm gần 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước; hãng xe Mỹ lắp ráp tại Việt Nam Chevrolet cũng giảm doanh số hơn 500 chiếc so với cùng kỳ.
Các thương hiệu xe còn lại như Kia, Mazda của Trường Hải có doanh số bán ra tăng, đặc biệt tăng mạnh nhất là Honda với "cú huých" từ các dòng xe nhập ăn khách.
Cụ thể, Kia có doanh số tiêu thụ xe 7 tháng đạt trên 16.200 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước, Mazda có doanh số bán hơn 19.000 chiếc, tăng hơn 4.200 chiếc so với cùng kỳ. Mitsubishi có doanh số giữ nguyên được như cùng kỳ năm trước, trong đó dòng xe 5 chỗ chiến lược là Outlander có mức tiêu thụ tăng gần 1.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Honda trong 7 tháng qua có doanh số bán hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, dòng xe bán ra nhiều nhất của ông lớn Nhật này là mẫu xe sedan city lắp ráp trong nước với gần 6.000 chiếc. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng của Honda lại nằm ở chính các dòng xe nhập.
7 tháng qua, lượng xe đa dụng nhập Thái là Honda CRV bán ra đạt hơn 4.300 chiếc, tăng gần 3.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra còn có dòng xe Jazz có mức tiêu thụ hơn 1.100 chiếc sau 3 tháng nhập về Việt Nam.
Với thị trường cuối năm cầu xe có thể tăng lên, viễn cảnh không có lợi cho ngành sản xuất xe hơi được vẽ ra là các liên doanh, hãng tư nhân đẩy mạnh nhập xe từ nước ngoài về để bán thay vì sản xuất. Honda sẽ tiếp tục nhập xe Jazz, tiến tới nhập HRV để cạnh tranh với CX5 của Mazda; Toyota Việt Nam cũng không dấu tham vọng nhập hai dòng xe Wigo và Rush từ Indonesia để cứu doanh số bán hàng đang tụt dốc của mình.
Nguyễn Tuyền
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam