Chủ tịch Quốc hội: Sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn để tái thiết kinh tế
Ông Vương Đình Huệ cho biết tuần tới sẽ làm việc với các bộ, Ủy ban của Quốc hội, tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ, xây dựng gói hỗ trợ lớn hơn.
Làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, Hội nghị Trung ương 4 đã kết luận xem xét điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ với liều lượng hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích và phục hồi kinh tế.
Do đó, tuần tới ông sẽ làm việc với Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính ngân sách và 3 Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để rà soát lại cách thức, liều lượng sử dụng các công cụ này.
"Chúng ta sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tái thiết kinh tế", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát biểu trước đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, tính toán hiện quy mô các gói hỗ trợ mới đạt khoảng 2,2% GDP. Ông đánh giá đây là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Indonesia (5,4% GDP)...
Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3-5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải giáo dục...
"Với tình thế "sống còn", tình trạng kiệt quệ, hiện nay của các doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn", ông nhấn mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã phải gánh chịu qua 4 đợt dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khó khăn chỉ là tạm thời, và tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ vượt qua để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. "Giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Thắng không kiêu, bại không nản, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", ông nhắn nhủ.
Vì thế Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "đặt hàng" VCCI - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp - có hiến kế cụ thể hơn về chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp, cũng như phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở chính sách tài khoá, tiền tệ.
Từ năm 2020 khi xảy ra Covid-19 đến nay, Chính phủ, Quốc hội đã nỗ lực, đưa ra nhiều gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Riêng năm 2021 đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng; các ngân hàng cam kết hỗ trợ 20.300 tỷ đồng lãi suất; gia hạn hơn 115.000 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 52/2021... Cuối tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép chi 30.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động.
Chính phủ đang hoàn thiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế hơn 21.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tại cuộc gặp, cộng đồng doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật tới lãnh đạo Quốc hội. Họ cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế pháp luật và nếu được tháo gỡ đồng bộ sẽ là "liều oxy" giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi khi mở lại nền kinh tế.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM trải qua hơn 4 tháng chống chọi dịch bệnh, "sức khoẻ" doanh nghiệp tại đầu tàu kinh tế đã rất yếu ớt.
"Nguy cơ tới đây khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khó trụ vững khi phải đối mặt với đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu bắt đầu tăng... Họ rất cần chính sách hỗ trợ đặc biệt lúc này", ông nói.
Một trong số gợi ý được ông Dũng nêu ra, là đề nghị bơm thêm vốn cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian hoãn, nợ thuế lên 2 năm thay vì chỉ trong năm 2021. "Chúng ta hãy coi đây là khoản quốc gia cho doanh nghiệp vay và họ sẽ trả lại trong tương lai khi sức khoẻ được củng cố. Tất nhiên doanh nghiệp cần cam kết phải bảo toàn vốn để hoàn trả lại khoản vay này cho Nhà nước", ông nói.
Theo ông Chu Tiến Dũng, đợt dịch vừa qua bộc lộ nhiều chính sách thể chế, pháp luật chồng chéo khiến nguồn lực doanh nghiệp không được phát huy. Ông mong Quốc hội xem xét tháo gỡ ngay, tạo nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp trong lúc "sức khoẻ của họ đang rất yếu ớt".
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco nhấn mạnh, cơ chế chính sách hay luật ban hành cần tính được "đường dài", tránh tình trạng "nay ban hành, mai thay đổi, doanh nghiệp chạy theo rất mệt".
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, đại diện Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam nhận xét, việc thực thi luật tại các địa phương còn mang tính cảm tính, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bà dẫn ví dụ về quy định "kho bãi", một số địa phương, hiểu "kho bãi" là bất động sản nên cho phép mật độ xây dựng là 50%. Trong khi đó, một số địa phương hiểu "kho bãi" là khu công nghiệp, áp dụng mật độ xây dựng 60%.
"Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp đôi khi vừa áp dụng luật, vừa theo lệ từ các thông lệ quốc tế, dẫn tới không rõ ràng trong các quy định và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp dụng, tiếp cận chính sách", Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An nhấn mạnh.
Ở khía cạnh này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI chỉ ra những chồng chéo, xung đột pháp luật đang "bó" doanh nghiệp. Chẳng hạn, một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật khác nhau. Tuân thủ quy định nào, thời điểm hiệu lực ra sao, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, cơ quan nào có thẩm quyền... vẫn đang làm khó doanh nghiệp. Vì thế, các dự án cứ chạy vòng vòng và doanh nghiệp phải mất rất nhiều công để làm thủ tục.
Mặt khác, dưới các luật lại có các thông tư, nghị định hướng dẫn và mỗi văn bản thay đổi rất nhanh, tạo ra sự chưa đồng bộ, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. "Chỉ cần một trục trặc trong "ma trận" văn bản này, một dự án có thể bị tắc, bị dừng", ông Tuấn nhấn mạnh.
"Quốc hội cần có chương trình rà soát tổng thể, liên quan đến thủ tục hành chính, phí; minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật. Các cơ quan Quốc hội cũng cần có giải trình quan điểm, tại sao không tiếp thu để tránh trường hợp ý kiến của doanh nghiệp như "hòn đá ném ao bèo", không tạo ra động lực", ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình lập pháp của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói nhiều kiến nghị của doanh nghiệp vừa qua đã được ghi nhận và được đưa vào như một nhiệm vụ lập pháp để có thể sửa đổi các quy định cũ, không còn phù hợp.
Ngay tại kỳ họp thứ hai khai mạc vào ngày 20/10 tới, Quốc hội dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung luật sửa 10 luật theo đề nghị của Chính phủ, trong đó có 5 luật liên quan tới hoạt động kinh doanh.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sẽ rà soát, nghiên cứu và sửa đổi nhiều quy định pháp luật liên quan tới sản xuất kinh doanh như Luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Đầu tư 2020, Luật Kinh doanh bất động sản...
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh trong quá trình sửa đổi tất cả đạo luật quan trọng này đều ghi nhận ý kiến đến từ VCCI và cộng đồng doanh nghiệp. "Đây là những ý kiến quan trọng giúp quá trình lập pháp có thể xây dựng được những quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Tùng nói.
Anh Minh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở