Chủ tịch Quốc hội: Cần rút ngắn năm đóng BHXH còn 10 - 15 năm để hưởng lương hưu
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 xuống 15 năm sẽ đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động và khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần.
Chủ tịch Quốc hộ Vương Đình Huệ đã nêu ý kiến trong buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, chiều 22/10.
Ông Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm. Nếu sửa sớm thì sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần.
Với quy định hiện nay là người đóng BHXH được hưởng lương hưu sau 20 năm đóng, điều kiện để rút BHXH một lần cũng dễ dàng. Nhưng theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15, thậm chí 10 năm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá quy định này rất tốt vì nếu người lao động tham gia đóng BHXH mà chỉ phải chờ 10-15 năm thì sẽ muốn theo đuổi tiền lương hưu. Trong khi đó, nếu rút BHXH một lần, họ chỉ được hưởng phần của mình đóng là chính (trong BHXH có phần của người lao động đóng, có phần của người sử dụng lao động đóng). Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.
“Việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu chính đáng, thực tế khách quan của người lao động. Nghị quyết đã có rồi, rút ngắn thời gian đóng mà vẫn được hưởng thì chắc chắn người lao động sẽ tham gia ở lại nhiều hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Cao Mạnh Linh (chuyên trách Ủy ban Tư pháp) cho rằng quy định về thời gian đóng BHXH cố định trong 20 năm là "thiếu linh hoạt", khiến người tham gia bảo hiểm chưa thực sự an tâm do thời gian đóng quá dài, nhất là người lao động ngoài quốc doanh.
"Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia BHXH bắt buộc thì cần nghiên cứu hoàn thiện chủ trương, giảm thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm để thu hút người lao động", ông Linh đề xuất.
Về các bảo hiểm ngắn hạn, Chủ tịch Quốc hội cho biết số kết dư khá lớn. Vừa qua số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 2020 chuyển sang trên 90.000 tỉ nên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bàn dành 1/3 số đó chi hỗ trợ cho người lao động trong dịp này với 6 mức.
Trong đó mức thấp nhất là 1,8 triệu, mức cao là hơn 3 triệu được chi cho khoảng 13 triệu lao động; ngoài ra cũng giảm đóng cho doanh nghiệp 8.000 tỉ. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực và trực tiếp cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại mức đóng, phạm vi chi trả đối với các quỹ ngắn hạn. Nếu kết dư nhiều thì có thể nhận thấy mức đóng còn cao, hoặc mức đóng phù hợp nhưng mức chi chưa tương xứng, đầy đủ. Mặc dù luật quy định các quỹ này có kết dư để phát triển dài hạn và đảm bảo tính an toàn.
HM (T/h)
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội