'Chôm' chữ ký số của doanh nghiệp lý lịch tốt để… buôn lậu
Một số tổ chức, cá nhân dùng thủ đoạn lợi dụng, sử dụng chữ ký số của các doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt pháp luật để thực hiện việc khai hải quan khi chưa được sự đồng ý của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cục Hải quan TP.HCM mới đây đã đưa ra cảnh báo các hành vi thường sai phạm trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hoá để các doanh nghiệp (DN) phòng tránh.Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân (dịch vụ khai thuê hải quan, nhân viên đại lý hải quan) có thủ đoạn lợi dụng, sử dụng chữ ký số của các DN có ý thức chấp hành tốt pháp luật để thực hiện việc khai hải quan trên hệ thống VNACCS trong khi chưa được sự đồng ý của DN xuất nhập khẩu.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, các đối tượng dùng thủ đoạn trên với mục đích buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm; khai báo thông tin hàng hóa sai so với thực tế nhằm trốn lậu thuế hoặc nhằm mục đích trốn tránh chính sách quản lý hàng hóa như hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép, hàng hoá phải đáp ứng đủ yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Vì vậy, để hoạt động khai báo tuân thủ đúng pháp luật, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị các DN xuất nhập khẩu quản lý chặt chẽ chữ ký số của mình, tránh bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các DN. Các DN lựa chọn và sử dụng dịch vụ khai thuê hải quan là các đơn vị khai thuê có uy tín, có nhiều kinh nghiệm khai báo (như các đại lý khai thuê hải quan đã được Tổng cục Hải quan cấp phép theo quy định).
Cục Hải quan TP.HCM cũng cảnh báo tình trạng các DN vi phạm quy định về khai thuế như không khai hoặc khai sai về tên hàng theo định danh hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính quy định, khai không đầy đủ tên hàng dẫn đến không phân biệt được hàng này với hàng khác.
Ví dụ như DN khai báo là mặt hàng A (có thuế suất nhập khẩu là 0%, không phải là mặt hàng quản lý về chính sách), nhưng qua kiểm tra thực tế là mặt hàng B và mặt hàng B này có thuế suất nhập khẩu là 5%, 10%... và cần phải có giấy phép khi nhập khẩu hoặc cần phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); khai sai về chủng loại (khai báo là chủng loại A với mức giá thấp nhưng thực tế hàng hoá là chủng loại B có mức giá cao hơn); khai thiếu về số lượng; khai sai về khối lượng.DN vi phạm khai sai về chất lượng (khai báo hàng hoá của Trung Quốc nhưng thực tế hàng hoá của Nhật, Mỹ...); khai sai (thấp) về trị giá hàng nhập khẩu hoặc không khai báo các khoản phải cộng theo quy định.
Ngoài ra, DN còn khai sai mã số hàng hoá dẫn đến thay đổi thuế suất (khai báo là mã số hàng hoá A, có thuế suất là 5% nhưng thực tế là mã số hàng hoá là B, có thuế suất là 10%); khai sai thuế suất, xuất xứ hàng hóa; khai báo là hàng mới nhưng thực tế là hàng cũ dẫn đến hàng thực nhập là hàng cấm.Ví dụ, thời gian qua có một số DN nhập khẩu hàng máy tính xách tay, iPad khai báo là hàng mới 100% nhưng thực tế kiểm tra là hàng Refurbish, có nghĩa là hàng tân trang, là các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu theo quy định)… Các hành vi khai sai nêu trên dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn.
QUANG HUY
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội