Chôm chôm, mộc nhĩ... Việt bị EU cảnh báo có chứa chất cấm
Quả chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen và bột quế là các sản phẩm bị cảnh báo.
Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) cho biết, trong tháng 10/2021, Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu (RASFF) tiếp tục đưa ra 4 thông báo đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo đó, sản phẩm chôm chôm bị cảnh báo do phát hiện mối nguy từ thuốc bảo vệ thực vật Imidacloprid hàm lượng 0,015 mg/Kg; thiamethoxam hàm lượng 0,011 mg/Kg, clothianidin hàm lượng 0,019 mg/Kg, phenylphenol hàm 0,021 mg/Kg. Ngoài ra còn phát hiện chất cấm permethrin với hàm lượng 0,93 mg/Kg, profenofos 0,029 mg/Kg ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tương tự, sản phẩm mộc nhĩ khô bị phát hiện dư lượng chlorpyrifos vượt mức dư lượng tối đa cho phép. Theo mức độ rủi ro được đánh giá là nghiêm trọng nên lô sản phẩm 700kg mộc nhĩ khô này đã bị Cộng hòa Liên bang Đức thu hồi sản phẩm trên thị trường.
Tiếp theo là lô sản phẩm hạt tiêu đen 3mm 25kg cũng bị Tây Ban Nha từ chối nhập tại cửa khẩu. Nguyên nhân do phát hiện dư lượng chlorpyrifos ở mức 0.035 ± 0.018 mg/kg vượt mức cho phép.
Gần đây nhất là một sản phẩm bột quếbị Italy cảnhbáo mức độ rủi do nghiêm trọng khi phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus ở mức 16000 CFU/g, tức mức cho phép tối đa 1000 CFU/g.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, trong tháng 10, trên Hệ thống cảnh báo An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) có trên 400 thông báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Trong số đó, các vi phạm về ô nhiễm vi sinh vật là 128 cảnh báo; mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 93 cảnh báo, độc tố nấm mốc 30 cảnh báo, dư lượng thuốc thú y 3 cảnh báo và những vi phạm khác.
Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Đối với các sản phẩm trái cây, gia vị cần kiểm soát và sử dụng đúng quy định các hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất và chế biến như nguồn nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Quỳnh Anh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm