Chợ Đầm Nha Trang ế khách vì... phân ly!
Chợ Đầm mới ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đìu hiu, buôn bán ế ẩm, thậm chí nhiều tiểu thương rao bán sạp nhưng không ai mua
Tính đến tháng 3/2019, đã 6 năm sau khi công bố quy hoạch và 2 năm đưa vào sử dụng nhưng chợ Đầm - một trung tâm thương mại, nổi tiếng bậc nhất phố biển Nha Trang - vẫn đang ngổn ngang, buôn bán ế ẩm, trong khi đó việc thống nhất khu chợ mới - chợ cũ vẫn rối như tơ vò.
Cả tuần không bán được hàng
Sau khi đã hoạt động 2 năm nhưng tầng 2, tầng 3 của khu chợ Đầm mới vẫn vắng bóng người. Nhiều lô sạp thậm chí chưa hề được mở ra, bảng chào bán lô sạp dán khắp nơi với cam kết "mới 100% chưa từng sử dụng". Công ty TNHH MTV Chợ Đầm (đơn vị quản lý chợ) cho biết khu chợ Đầm mới đã hoàn thành với hơn 1.000 lô sạp nhưng rất nhiều tiểu thương chưa chịu vào buôn bán.
Tầng 2 có 568 lô nhưng mới có 36 hộ kinh doanh. Bà Lương Thị Ngọc Thảo (hộ bán quần áo) cho biết đã bỏ ra 160 triệu đồng mua lô sạp trong 10 năm nhưng hơn 1 năm nay buôn bán ế ẩm. "Cả tầng 2 có mấy trăm lô mà số hộ kinh doanh thưa thớt thì làm sao có khách. Có tuần chúng tôi không bán được dù là 1 sản phẩm. Chúng tôi cần giúp đỡ, kéo dài thế này tiểu thương chỉ có nước phá sản" - bà Thảo than thở.
Tương tự, tầng 3 dự kiến là nơi 135 tiểu thương bán hàng ăn uống, cà phê, dịch vụ vui chơi ở chợ cũ chuyển sang và 282 lô dự phòng nhưng đến nay chỉ có 6 hộ hoạt động. Những hộ này cho biết chỉ bán được cho khoảng 10 khách mỗi ngày. Ngay cả tầng 1 được cho là còn có khách ra vào, đến nay cũng mới bố trí được khoảng 600 lô sạp, còn rất nhiều lô chưa có tiểu thương buôn bán hoặc đang rao bán lại.
Ông Nguyễn Công Tú (hộ bán giày dép) bức xúc: "Hàng hóa không bán được, để lâu ngày giảm chất lượng, tiền vốn bỏ ra không thu lại được thì trước sau cũng sập tiệm. Tiểu thương chúng tôi rất bức xúc vì chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn di dời toàn bộ hàng quán lên đây. Cứ 3 tháng hứa một lần mà đến nay vẫn chưa thấy gì".
Vận động sáp nhập
Dự án chợ Đầm Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Đà - Nha Trang từ năm 2013 với quy mô 3 tầng, tổng diện tích hơn 21.000 m². Khi triển khai đã bị các tiểu thương chợ Đầm Tròn (khu trung tâm) phản đối dữ dội vì nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi, công trình mang tính lịch sử… Đến năm 2017, khu chợ Đầm mới xây dựng xong, tồn tại song song với khu chợ Đầm Tròn. Khu chợ Đầm Tròn hiện vẫn còn 279 tiểu thương đang hoạt động.
Khu chợ Đầm Tròn vẫn theo quy hoạch tỉ lệ 1/500 do UBND tỉnh phê duyệt: xây dựng công viên, vườn hoa, đài phun nước tạo mặt thoáng cho khu chợ mới. Việc có phá bỏ khu chợ này hay giữ lại vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định.
Theo ông Huỳnh Văn Đệ - Phó trưởng Ban Quản lý chợ Đầm, thừa nhận việc buôn bán của các tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách đến tham quan, mua sắm tại khu vực chợ Đầm mới nhất là tầng 2, tầng 3 quá ít. Tiểu thương kiến nghị phải di dời các hộ kinh doanh tại chợ Đầm Tròn vào chợ Đầm mới. Nếu không di dời thì sắp xếp cho các hộ tiểu thương về lại vị trí cũ ở chợ Đầm Tròn. Đồng thời, miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh cho đến khi việc buôn bán tại chợ Đầm mới đi vào ổn định.
"Chúng tôi đã giải quyết việc miễn giảm phí cho bà con. Còn việc trở lại nơi cũ chắc chắn là không được. Vì nếu di dời phải có ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Theo tôi, cách tốt nhất nên để lại chợ Đầm Tròn để làm nơi trưng bày, triển lãm, vận động bà con về khu chợ Đầm mới để kinh doanh buôn bán" - ông Đệ nói.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, khẳng định đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý chợ Đầm báo cáo, thống kê về tình hình chợ Đầm hiện nay và xây dựng phương án tiếp nhận, di dời các hộ kinh doanh từ chợ Đầm Tròn vào chợ mới. TP sẽ nghiên cứu các quy định để tổ chức buổi đối thoại với các hộ tiểu thương trong thời gian sớm nhất cũng như tạo điều kiện hỗ trợ họ.
Bình Thuận: Khu chợ 130 tỉ đồng ế ẩm
Ông Lê Văn Hậu, Trưởng Ban Quản lý chợ Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cho biết khu chợ được xây mới với kinh phí trên 130 tỉ đồng đi vào hoạt động từ tháng 8-2015 với quy mô 1.200 lô sạp, nay chỉ còn 700 lô hoạt động. Nguyên nhân chính do việc buôn bán của nhiều tiểu thương trong chợ gặp khó khăn bởi sức mua giảm mạnh, doanh thu trung bình mỗi sạp dưới 100.000 đồng/ngày.
Trước tình hình này, ban quản lý chợ đang tăng cường an ninh trật tự, tạo ra môi trường buôn bán văn minh lịch sự, đồng thời yêu cầu các tiểu thương thực hiện nghiêm việc vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai để tạo sự yên tâm, nhằm lôi kéo khách đến chợ.
Việt Khánh
KỲ NAM
- Sau Tết nguyên đán, nghìn tỷ vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF
- Hội nghị xúc tiến thị trường Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thu hút hơn 60 hãng bay và công ty lữ hành
- Tivi Asanzo: Chiếm lĩnh thị trường nội, vươn ra thế giới
- Bị phát hiện chứa chất cấm, Golean Detox vẫn 'đại náo' thị trường
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội