Chi hơn 1.000 tỷ, Vinamilk quyết mua lại Sữa Mộc Châu

Thứ năm, 14/03/2019, 09:39 AM

CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk vừa quyết định chi 1.517 tỷ đồng mua 46,68% cổ phần GTN - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.

HĐQT CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (HoSE: VNM) vừa ban hành Nghị quyết mới về việc chào mua công khai cổ phần của Công ty Cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN).

Theo đó, Vinamilk sẽ chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTN, tương ứng 116,7 triệu cổ phần đang lưu hành của công ty với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu mua thành công số cổ phần trên, tổng số tiền Vinamilk phải chi cho thương vụ này là 1.517 tỷ đồng.

Bỏ ra số tiền “khủng” để mua cổ phần của GTN là bước đi có tính toán của ông lớn ngành sữa Việt Nam. Vì hiện tại, CTCP INVEST Tây Đại Dương là cổ đông lớn nhất với 28% cổ phần. Nên nếu mua thành công, Vinamilk sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của GTNfoods.

Mặc dù Vinamilk không nêu rõ mục đích của thương vụ này là gì nhưng giới đầu tư đều dễ dàng đoán được, Vinamilk muốn thâu tóm thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Vinamilk muốn thâu tóm thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Vinamilk muốn thâu tóm thương hiệu Sữa Mộc Châu.

GTNfoods-đơn vị Vinamilk đang muốn mua cổ phần, là công ty mẹ nắm giữ trên 73% cổ phần của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong khi đó, Vilico lại đang là công ty mẹ sở hữu 51% cổ phần của Công ty Giống bò sữa Mộc Châu - doanh nghiệp đang sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu. Như vậy, nếu Vinamilk là cổ đông lớn nhất của GTN cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu sữa Mộc Châu sẽ về tay đại gia ngành sữa Việt Nam.

Sữa Mộc Châu trong những năm gần đây là phần đóng góp chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vilico và GTNFoods. Thương hiệu sữa này đang chiếm khoảng 10% thị phần chung và cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu ở nhóm đầu trong mảng sữa tươi và sữa chua.

Trong một diễn biến liên quan, một tháng qua, cổ phiếu GTN đã tăng tới trên 50%, từ mức 10.900 đồng/cổ phiếu mở phiên giao dịch ngày 12/2 lên 16.400 đồng/cổ phiếu kết phiên giao dịch ngày 12/3.

Diễn biến này có phần bất lợi cho Vinamilk bởi mức giá chào mua (13.000 đồng/cổ phiếu) thấp hơn khá nhiều thị giá hiện tại.

Năm 2018, GTNfoods đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng nhưng kết thúc năm, mức lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 7,52 tỷ đồng. Quý IV/2018, GTNfoods thậm chí còn âm (-) 6,7 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của GTNfoods đạt 4.732 tỷ đồng; phần lớn tập trung ở các khoản tiền gửi ngắn hạn với 879 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 883 tỷ đồng, tài sản cố định với 648 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 590 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của GTNfoods đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 3.767 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 965 tỷ đồng.

Hiếu Nguyễn

Theo nguoiduatin.vn