Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Chỉ 270 trong số hơn 1.800 bệnh viện hoàn tất bệnh án điện tử

Thứ năm, 17/07/2025 14:59 (GMT+7)

Dù Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ các bệnh viện trên cả nước hoàn tất chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử trước ngày 30/9, nhưng đến nay, mới chỉ có 270 bệnh viện thực hiện xong.

Ngành y tế gấp rút chuyển đổi bệnh án số. Ảnh: Báo Chính phủ

Tại Hội thảo Giải pháp triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số tại các địa phương và cơ sở y tế, được tổ chức sáng 17/7 ở Hà Nội, ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia nhấn mạnh, bệnh án điện tử là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số y tế, giúp: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin; Đảm bảo tính chính xác và an toàn dữ liệu

Tuy nhiên, theo Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ hiện vẫn còn rất chậm. Tính đến ngày 17/6, chỉ có 270 trong tổng số hơn 1.800 bệnh viện (cả công lập và tư nhân) công bố triển khai hồ sơ điện tử.

Ông Duy nhận định và cho biết nguyên nhân chính đến từ: Thiếu kinh phí; Hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và nhân lực; Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó Trưởng phòng Giải pháp và Quản lý Chất lượng (thuộc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia), các thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị CNTT hiện còn rườm rà và kéo dài. Trong khi đó, yêu cầu về bảo mật thông tin, phần mềm quản lý, hạ tầng kỹ thuật… đều đòi hỏi đầu tư bài bản và lâu dài.

Để hỗ trợ các đơn vị, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới trong tháng 6, đồng thời Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia cũng đã công bố hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nhằm chuẩn hóa quy trình và tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết, tỉnh đang quyết tâm hoàn thành chuyển đổi trước tháng 9. Hiện toàn tỉnh có: 6 bệnh viện đa khoa; 6 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 13 trung tâm y tế và nhiều cơ sở y tế công - tư đang vận hành thử nghiệm hồ sơ điện tử.

Tuy nhiên, ông Đức cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn như: Hệ thống máy tính cũ kỹ; Đường truyền Internet yếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; Nhân lực CNTT thiếu và kiêm nhiệm; Người dân chưa quen sử dụng các tiện ích số (CCCD gắn chip, thanh toán không tiền mặt...)

Đặc biệt, chi phí triển khai bệnh án điện tử hiện chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, gây khó khăn cho các bệnh viện công trong việc bố trí ngân sách. Tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động trích ngân sách hỗ trợ ban đầu, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi chính sách để chi phí công nghệ được kết cấu vào giá dịch vụ y tế, đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần ít nhất 10 tỷ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với các bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Việt Đức, chi phí còn cao hơn nhiều do phải đầu tư đồng bộ các hạng mục như:Hạ tầng CNTT; Phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); Hệ thống xét nghiệm (LIS); Lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS; Các thiết bị phần cứng khác.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về việc đưa chi phí CNTT vào cấu trúc giá dịch vụ y tế như kế hoạch ban đầu.

Dù còn nhiều rào cản, ông Tiến cho biết, trong hai tháng gần đây, tốc độ triển khai đã có chuyển biến tích cực, với khoảng 60–70 cơ sở y tế hoàn thành mỗi tháng. Nếu giữ được đà này, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và phối hợp giữa các địa phương, mục tiêu 100% cơ sở y tế hoàn tất bệnh án điện tử vào 30/9 hoàn toàn có thể đạt được.