Chạy xe ôm phải đeo thẻ: Thừa!
Đề xuất ban hành quy định tài xế xe ôm phải mang thẻ hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang gây nhiều tranh luận.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, trong đó đề xuất từ ngày 1-1-2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe máy, môtô 2 bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.
Tạo thói quen văn minh
Về đề xuất này, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, lý giải Hà Nội hiện có trên 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11.000 xe đạp điện và xe máy điện (chưa kể một lượng không nhỏ phương tiện ngoại tỉnh).
Môtô, xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại và tiếp tục tăng nhanh, dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải. Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng quy định này sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo thói quen đi lại văn minh cho người dân.
Dự thảo là bước hiện thực hóa Thông tư số 08 ra ngày 23-6-2009 của Bộ GTVT, trong đó quy định người kinh doanh vận chuyển khách, hàng hóa bằng môtô, xe máy phải có trang phục hoặc biển hiệu do UBND cấp tỉnh, thành quy định để nhận biết. Dự thảo cũng quy định nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên, người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý. Nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã - phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.
Giám đốc một hãng xe ôm công nghệ ở Hà Nội đã nhận được văn bản về dự thảo này nêu quan điểm: "Đã kinh doanh thì phải quản lý để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và cho xã hội. Dự thảo này rất hợp lý. Tôi đồng tình với đề xuất này".
Ông cũng cho rằng tại Hà Nội hiện có hàng ngàn người làm nghề chạy xe ôm. Khách hàng bây giờ lại tin tưởng nhiều và nhận biết được một số hãng xe ôm công nghệ. Xe ôm truyền thống vẫn tồn tại nhưng không thịnh hành như trước. Cũng theo vị giám đốc này, một tài xế xe ôm công nghệ phải có các giấy tờ bảo đảm trước pháp luật và hãng đó phải cấp biển tên, mã số, đồng phục... cho họ. Nhờ đó, khách hàng nhìn vào là biết người này làm nghề gì, được quản lý và chuyên nghiệp... nên tin tưởng hơn.
Không dễ thực hiện
Hầu hết những tài xế xe ôm công nghệ đều đồng tình việc cấp thẻ, mang thẻ khi hành nghề. Trái lại, không ít tài xế xe ôm truyền thống lại cho rằng quy định này không cần thiết, bao năm nay vẫn vậy, bây giờ lại thêm một thủ tục, một loại thẻ nữa thì rất phiền hà.
Theo ông Trần Văn Cường (65 tuổi), chạy xe ôm truyền thống hơn 20 năm nay, quy định phải đeo thẻ khi hành nghề là không cần thiết. Khi quy định này được ban hành, liệu hàng ngàn tài xế xe ôm truyền thống có chấp hành nghiêm túc hay vẫn giữ thói quen cũ khó bỏ.
"Quy định này là thừa. Chúng tôi cũng không yêu cầu nhà nước hỗ trợ quyền lợi gì nhiều nên cũng không cần quá khắt khe với những xe ôm truyền thống" - ông Cường nêu thực tế.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, đề xuất này của Hà Nội chưa phù hợp với thực tế, ở thời điểm hiện nay chưa nên làm. Người dân có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết là người thu nhập thấp hay sinh viên, mới phải làm những nghề như xe ôm, chở hàng... để kiếm thu nhập. Hơn nữa, bản thân những người này cũng không đòi hỏi nhà nước ưu đãi hay hỗ trợ gì nhiều, các phương tiện của họ cũng đã có giấy tờ, đăng ký rồi mà bây giờ lại thêm một loại giấy tờ nữa thì sẽ gây khó cho họ.
TP.HCM từng triển khai không thành công
Một cán bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết trước đây, tại TP.HCM, quy định xe 2 bánh hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa như xe ôm, khi có nhu cầu hành nghề thì phải đăng ký với chính quyền địa phương để được cấp phép cũng như có phương thức nhận diện. Thế nhưng, sau đó, chỉ số ít người thực hiện và một số quận, huyện cũng báo cáo vấn đề trên có nhiều khó khăn, khó kiểm soát do các hoạt động của loại hình này phần lớn mang tính tự phát, ngẫu nhiên. Nhiều người chạy xe ôm địa bàn tạm trú thường xuyên thay đổi hoặc những người chỉ làm việc bán thời gian..., nhu cầu hành nghề mang tính phát sinh nên càng khó kiểm soát.
Cán bộ trên cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải theo dạng hợp đồng điện tử, ứng dụng công nghệ đang rất phát triển nên sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát với cả loại hình xe 2 bánh này. "Dù vậy, vấn đề hiện nay đó là việc định danh các loại hình như Grab, Go-Viet... vẫn chưa cụ thể nên phải chờ việc sửa đổi Nghị định 86 đang trong quá trình dự thảo" - cán bộ này đánh giá.
G.Minh
BẠCH HUY THANH
-
Bão Yinxing giật cấp 17 đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 5-11: Oi bức cả ngày, đến đêm mới có mưa rào
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 1-11: Ngày nắng, đêm mưa kèm gió giật mạnh
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 31-10: Ngày nắng, chỉ số UV cao
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước từ năm 2025