Chạy đua giảm giá, khuyến mãi

Thứ tư, 21/06/2023, 14:24 PM

Giảm giá, khuyến mãi là cần thiết nhưng chưa đủ để kích cầu thị trường

Gần 1 tuần kể từ khi TP HCM chính thức diễn ra chương trình khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2023 với chủ đề "Tưng bừng mua sắm hè 2023", một số hệ thống siêu thị, cửa hàng… trên địa bàn thành phố ghi nhận lượng khách mua sắm lẫn doanh thu tăng nhẹ so với trước đó.

Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn

Theo Sở Công Thương TP HCM, trong chương trình lần này có 3.000 doanh nghiệp (DN) tham gia 7.000 chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong 3 tháng, từ ngày 15-6 đến 15-9. Điểm nổi bật của chương trình là hàng loạt DN bán lẻ ở các ngành hàng như thời trang, hàng tiêu dùng đưa ra mức giá khuyến mãi hấp dẫn, phổ biến từ 30%-50%, nhiều sản phẩm được khuyến mãi tới 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Đơn cử, các siêu thị thuộc hệ thống SATRA đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu từ 10% đến mức cao nhất là mua một sản phẩm sẽ được tặng miễn phí một sản phẩm cùng loại (tương đương giảm giá 100% sản phẩm thứ 2 cùng loại).

Không chỉ các siêu thị, cửa hàng mà tiểu thương ở chợ lẻ cũng tích cực tham gia kích cầu. Điển hình, ngày 20-6, 145 tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) đã đồng loạt tham gia giảm giá 5%-10%, thậm chí 50%, nhiều mặt hàng rau củ quả, quần áo, giày dép, thực phẩm… 

Chị Đàm Vân, Phó trưởng Ban Quản lý chợ, cho biết ban quản lý đã tuyên truyền vận động tiểu thương chú trọng chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; có những hình thức khuyến mãi, chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, cạnh tranh hơn với tiệm tạp hóa nhỏ bên ngoài và siêu thị. "Ban quản lý đến từng quầy, sạp hướng dẫn tiểu thương cách tổ chức khuyến mãi cho hiệu quả, trưng bày bắt mắt để thu hút khách. Bên cạnh đó, hướng dẫn xây dựng hình ảnh tiểu thương thân thiện, là bạn của khách hàng" - chị Vân cho hay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong bối cảnh sức mua thấp, sở đã mạnh dạn đề xuất với UBND thành phố triển khai chương trình khuyến mãi tập trung liên tục trong 3 tháng hè. 

Trong 90 ngày này, để hoạt động khuyến mãi đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và DN, chương trình sẽ chia làm 3 phân kỳ, bao gồm: từ ngày 15-6 đến 15-7, Sở Công Thương phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ triển khai tháng thanh toán không dùng tiền mặt; từ ngày 15-7 đến 15-8, sở phối hợp Sở Du lịch thực hiện chương trình kích cầu du lịch, lễ hội du lịch sông nước; từ ngày 15-8 đến 15-9 là chương siêu khuyến mãi, áp dụng với nhóm sản phẩm hàng hiệu như thời trang, mỹ phẩm, đồ trang sức…

"Trong chương trình năm nay, thành phố sẽ thí điểm xây dựng các tour du lịch với sự tham gia từ công ty lữ hành đến khách sạn, nhà hàng, hệ thống phân phối và các đơn vị thanh toán không dùng tiền mặt theo mục tiêu cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. 

Chẳng hạn, các đơn vị lữ hành có thể xây dựng chương trình du lịch trong mùa hè, trong chương trình có tham quan mua sắm ở một trung tâm thương mại và được tặng voucher giảm giá. Nếu khách đi tour, khi mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được giảm giá thêm lần nữa" - ông Phương nêu ví dụ.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm năm nay, TP HCM lần đầu tiên tổ chức kích cầu đối với hàng hiệu, hàng cao cấp để kích thích tiêu dùng ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao trong nước lẫn du khách.

Nhiều khách hàng thích mua sắm ở siêu thị để được hưởng ưu đãi giảm giá

Nhiều khách hàng thích mua sắm ở siêu thị để được hưởng ưu đãi giảm giá

Cẩn thận với "dao 2 lưỡi"

Các DN bán lẻ cho hay theo thông lệ hằng năm, sức mua sẽ dần tăng trở lại trong các tháng hè. Với chương trình khuyến mãi rầm rộ và tập trung lần này, các DN kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. Năm nay, với việc tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài và mức độ tham gia giảm giá "đậm" của các DN, khả năng doanh thu bán lẻ và dịch vụ sẽ tăng tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart (Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op), cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu dùng sụt giảm, việc giảm giá trực tiếp cho khách hàng vẫn là giải pháp thường xuyên và tối ưu để kéo khách đến siêu thị, cửa hàng. 

"Theo thống kê gần đây, sức mua trong các đợt khuyến mãi tăng khoảng 20%-30% so với thông thường. Khuyến mãi để thu hút và giữ chân khách hàng là bắt buộc nhưng quan trọng là cách làm sao cho hiệu quả, bảo đảm 3 bên gồm khách hàng - nhà cung cấp - nhà bán lẻ cùng chia sẻ lợi ích" - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, trong giai đoạn này, chương trình khuyến mãi cần đi vào thực chất, hàng hóa được khuyến mãi giảm giá phải đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tại Co.opmart, Co.opXtra, tùy đặc tính của nhóm sản phẩm sẽ có các chương trình khuyến mại phù hợp. Trong đó, giảm giá trực tiếp trên giá bán sản phẩm vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market, thông tin tỉ lệ hàng khuyến mãi trong chuỗi MM Mega Market đã tăng lên 30%-35% trong giỏ hàng của nhóm khách hàng lẻ. "Lượng khách đến mua sắm tăng lên, giá trị giỏ hàng cũng tăng so với 1 tháng trước, cho thấy sức mua bắt đầu khá hơn. Tuy nhiên, hàng có khuyến mãi mới chiếm 1/3 trong cơ cấu giỏ hàng của khách hàng đang là vấn đề đáng quan ngại" - ông Khôi bày tỏ.

Theo ông Khôi, việc khuyến mãi liên tục và đạt doanh thu tốt từ khuyến mãi là con dao 2 lưỡi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà bán lẻ. Lý do là việc khuyến mãi kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà bán lẻ lẫn nhà phân phối. Đáng lo hơn, khi người tiêu dùng đã quen được khuyến mãi, giảm giá, nếu DN ngừng hoặc khuyến mãi ít thì người tiêu dùng sẽ lập tức giảm mua.

Các chuyên gia kinh tế lại cho rằng khuyến mãi, giảm giá, tăng chất lượng hậu mãi, chăm sóc khách hàng… là những việc DN cần làm để nâng cao quyền lợi, gia tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, từ đó kích thích tiêu dùng. Cùng với đó, cũng phải đẩy mạnh các giải pháp như giảm thuế để kích cầu, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, sớm hoàn thiện pháp lý về thanh toán online, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh… 

Tuy nhiên, để thúc đẩy cầu tiêu dùng, quan trọng nhất là phải bảo vệ và nâng cao thu nhập khả dụng của người tiêu dùng. Bởi khi thu nhập được cải thiện, người dân sẽ giảm các mối lo về tài chính và chi tiêu, mua sắm thoải mái hơn. 

THANH NHÂN

Theo nld.com.vn

largeer