Chặn TikTok nhảm nhí - giải pháp từ nhiều phía
Mạng xã hội TikTok đang bị chỉ trích bởi những video có nội dung nhảm nhí tạo ra xu hướng độc hại cho người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Nghiêm trọng hơn, TikTok còn có những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Thực tế này cho thấy, việc ngăn chặn thông tin “bẩn” trên mạng xã hội không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dùng trong sự phát triển của thế giới “phẳng” hiện nay.
Nhiều nội dung lệch chuẩn
TikTok là một nền tảng mạng xã hội, tuy “sinh sau đẻ muộn” so với Facebook, Youtube, Instagram... nhưng đang có sức hút ngày càng lớn. TikTok cho phép phát video ngắn với các chủ đề đa dạng, như một phiên bản thực của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều nội dung nhảm nhí, vô bổ, dung tục, mê tín dị đoan… liên tiếp được đăng tải trên TikTok thời gian gần đây. Ví như, tài khoản có tên Quách Thiên Bằng Stores với hình ảnh “mặt hoa da phấn”, trên người đeo đầy vàng thuyết trình về sức mạnh của những sợi dây bùa phép. Dù không có bằng chứng khoa học, song tài khoản này có đến 49,5 nghìn người theo dõi. Hay tài khoản Đồng thầy P Quyên với 672,3 nghìn người theo dõi cũng rêu rao về “bùa yêu siêu thật”...
Ngoài những trò ma thuật bùa, ngải, trên TikTok còn đầy rẫy những trào lưu xấu, kích thích giới trẻ sa vào cám dỗ, dung tục. Đặc biệt, rất nhiều video tục tĩu, nhạy cảm cũng xuất hiện với người dùng dưới 13 tuổi (lứa tuổi TikTok hạn chế một số ứng dụng trải nghiệm do không phù hợp với tâm sinh lý). Thực trạng này làm lệch lạc lối sống, suy nghĩ, hành vi của nhiều người, nhất là với trẻ em, trẻ vị thành niên...
Đáng nói, từ năm 2022 đến nay, TikTok có nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. Do không quản lý chặt chẽ, nền tảng này đã để một số người được gọi là Idol (thần tượng) truyền bá nội dung lệch chuẩn, thiếu văn hóa... Tình trạng hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cũng được rao bán tràn lan trên TikTok shop.
Là người nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Phạm Tuấn Tùng (quận Hà Đông) giải thích, bằng thuật toán học sâu kết hợp với xử lý dữ liệu thời gian thực, TikTok có thể phân tích từ chính dữ liệu người dùng khai thác như xem nội dung gì với thời gian bao lâu...
Từ đó, TikTok đánh trúng tâm lý người dùng bằng cách cung cấp những video được cá nhân hóa theo sở thích của người dùng. Nếu ai không làm chủ được, có thể sẽ “chết chìm” trong thế giới ảo của TikTok và dẫn đến hệ lụy khôn lường. Ngược lại, nếu biết khai thác những giá trị lành mạnh thì nền tảng này cũng sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ. Đó là tính hai mặt mà mạng xã hội nào cũng có.
Phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm qua, TikTok phát triển rất mạnh tại Việt Nam nhưng không đi đôi với trách nhiệm quản lý nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng.
Trước thực tế trên, cơ quan này đã đấu tranh rất nhiều với TikTok, yêu cầu mạng xã hội này phải chủ động kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu, chứ không phải đăng lên rồi mới chặn. Cụ thể hơn về giải pháp, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do khẳng định, sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét; xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh...
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5 tới để kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
TikTok, Facebook, YouTube đều có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị TikTok phải có một ứng dụng dành cho trẻ em ở Việt Nam như một số nước đã làm. Trong đó, nội dung phải được tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm, để những nội dung độc hại không tác động đến trẻ em. Ngoài biện pháp trên, nếu TikTok không xử lý và chấn chỉnh, Bộ sẽ triển khai một loạt biện pháp mạnh tay, cứng rắn hơn. Nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam, TikTok sẽ không được hoạt động.
Những giải pháp trên của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy quyết tâm lớn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm của TikTok tại Việt Nam. Song, việc ngăn chặn chỉ thật sự thành công khi cộng đồng người sử dụng cũng thể hiện trách nhiệm chủ động, tích cực trong khai thác, sử dụng mạng xã hội này. Chỉ khi các giải pháp được thực hiện từ nhiều phía thì những nội dung tiêu cực trên TikTok cũng như mạng xã hội khác mới được xóa bỏ và mặt tích cực mới được phát huy hiệu quả.
THIỆN - HÀ
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm