Chặn chuyển giá, trốn thuế
Chuyện chuyển giá và chống chuyển giá với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa khi nào hết tính thời sự.
Năm 1997, lần đầu tiên, Việt Nam tuyên chiến với hoạt động trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá trong khu vực FDI bằng việc xây dựng hành lang pháp lý quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài. Trong hơn 20 năm qua, chống chuyển giá, gian lận thuế của khu vực FDI luôn là nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận mỗi khi cho ý kiến vào báo cáo dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Cũng hơn 20 năm qua, trong hầu hết nghị quyết triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách, Chính phủ đều yêu cầu ngành tài chính tập trung chống chuyển giá, gian lận thuế. Năm 2018, tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, một lần nữa, Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành tài chính phải tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế.
Điều này cho thấy, hoạt động chuyển giá của khu vực FDI luôn là điểm nóng, nhất là khi các hình thức chuyển giá - cả truyền thống lẫn hiện đại - đã và đang được doanh nghiệp FDI “nhập khẩu” vào Việt Nam.
Đó là chuyển giá thông qua thông qua việc góp vốn bằng dây chuyền máy móc, thiết bị, nguyên liệu đặc thù được doanh nghiệp FDI định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế, qua đó nhà đầu tư nước ngoài trục lợi qua việc trích khấu khao tài sản cố định, phân chia lợi nhuận trên tỷ lệ vốn góp. Hành vi này gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thiệt hại cho bên liên doanh Việt Nam.
Đó là chuyển giá thông qua việc mua, bán nguyên liệu, vật tư, hàng hoá, công cụ, dụng cụ, tài sản cố định và các tài sản hữu hình khác giữa các bên liên kết không theo giá thị trường. Hành vi này làm tăng chi phí đầu vào, giảm nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Đó là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình như bí quyết công nghệ, thương hiệu, bí quyết kinh doanh… thông qua việc bán bản quyền hoặc thu phí bản quyền với “giá trên trời” cho doanh nghiệp liên kết tại Việt Nam. Hành vi này khiến chi phí đầu vào của bên liên kết tại Việt Nam bị đẩy lên cao, sản xuất - kinh doanh thua lỗ và tất yếu doanh nghiệp FDI đó không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đó còn là việc lợi dụng những doanh nghiệp tại Việt Nam khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, công ty mẹ tại nước ngoài sẽ cho công ty con tại Việt Nam vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất cao không tưởng hoặc buộc phía Việt Nam phải trả thêm các loại chi phí liên quan đến các giao dịch tài chính. Hành vi này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam giảm, từ đó giảm nghĩa vụ thuế, thậm chí doanh nghiệp đó không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...
Trên bình diện khác, không chỉ doanh nghiệp FDI, mà một số doanh nghiệp trong nước cũng lợi dụng chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để trốn thuế thông qua giao dịch liên kết giữa lĩnh vực, địa bàn, khu vực được ưu đãi thuế và khu vực, địa bàn, lĩnh vực không được ưu đãi thuế.
Cơ quan thuế đã nhìn thấy rõ các hành vi nêu trên, nhưng không dễ ngăn chặn vì nhiều lý do, trong đó có lý do về quy định pháp lý. Đơn cử, cơ quan thuế nhiều nước có chức năng điều tra thuế, còn tại Việt Nam, cơ quan thuế chưa có chức năng này, nên trong nhiều trường hợp dù biết chắc doanh nghiệp chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn, pháp lý…, song cơ quan thuế đành thúc thủ vì không thể điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ có diễn ra hay không. Ngoài ra, muốn xác định giao dịch liên kết nào đó có đúng giá thị trường hay không, cơ quan thuế phải có cơ sở dữ liệu. Bên cạnh nguồn dữ liệu thu thập, cập nhật, xây dựng thông qua tổ chức kinh doanh thông tin cung cấp; thông tin dữ liệu của doanh nghiệp được công bố công khai… thì phải có nguồn dữ liệu thương mại. Nhưng hiện chưa có quy định nào về việc ngân sách nhà nước bỏ tiền ra mua thông tin dữ liệu thương mại. Vì không có đầy đủ dữ liệu, nên cơ quan thuế cũng không có cơ sở buộc tội nhiều nghi án trốn thuế thông qua giao dịch liên kết.
Không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam, nhưng đã đến lúc phải có thêm biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế, làm rõ việc không ít doanh nghiệp FDI dù báo cáo lỗ triền miên, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh. Muốn làm được việc này, trước mắt, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống chuyển giá, nhất là khi hoạt động chuyển giá diễn biến ngày càng tinh vi, tất cả hình thức, phương thức chuyển giá trên thế giới được nhiều doanh nghiệp FDI áp dụng tại Việt Nam.
Mạnh Bôn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội