Chậm trễ trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phần lớn nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại thông qua thương hiệu nước ngoài. Thực trạng này cho thấy việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu các ngành hàng nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có tới hơn 80% lượng hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Thí dụ như chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu ở tầm quốc gia và 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa chế biến sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhập về mới chế biến và bán dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... Đối với cà-phê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà-phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà-phê robusta (còn gọi là cà-phê vối) nhưng tại thị trường nước ngoài, cà-phê Việt Nam hiện chưa có thương hiệu. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó các doanh nghiệp nước ngoài chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng. Một sản phẩm có thế mạnh khác là gạo, thì hiện nay phần lớn doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo dưới cái tên chung chung là 5% hay 25% tấm mà chưa có được một thương hiệu cụ thể có giá trị kinh tế. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay, vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Trong khi việc xây dựng thương hiệu còn hạn chế thì một số sản phẩm nông nghiệp đã định danh được thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà-phê Buôn Ma Thuột, mì gói, phở khô,… lại xảy ra tình trạng bị nước ngoài đăng ký độc quyền tại các quốc gia khác. Câu chuyện phở Việt của Công ty CPF (Thái-lan) sản xuất bán tại Mỹ là một thí dụ. Loại phở này đang bán rất chạy ở Mỹ. Lúc đầu, Công ty CPF chỉ đặt văn phòng thương mại, nhưng trước nhu cầu quá lớn của thị trường, họ lập tức xây dựng riêng một nhà máy, và hiện tại đã trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống. Không chỉ có phở, cho đến nay, không ít sản phẩm nông sản Việt Nam có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng hầu hết chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, như: vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh), gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng thơm chợ Đào, cà-phê Buôn Ma Thuột, hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị, hạt điều Bình Phước… Tại Đồng Tháp, dù xoài Cát Chu Cao Lãnh và xoài Cao Lãnh là hai sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận trong nước và đang xuất khẩu sang nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng hiện cũng chưa được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã mời đội ngũ tư vấn để thực hiện đầy đủ các yêu cầu, thủ tục của quy trình, song cũng còn phải chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, vì chi phí đăng ký bảo hộ tại nước ngoài, đặc biệt đối với chỉ dẫn địa lý là khá lớn. Có thể thấy, sự chậm trễ cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý nông sản Việt rất dễ bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước và khai thác.
Đánh giá về hoạt động đăng ký, bảo vệ thương hiệu nông sản của Việt Nam hiện nay, chuyên gia về thương hiệu Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh) nhận định: Đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều, nhất là đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Đây là việc tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Đặc biệt, bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ cho nên nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ của nước khác. Do đó, nếu không đăng ký ở một nước khác đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm đã được đăng ký. Hệ quả là, họ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan ngừng thông quan nhập khẩu đối với hàng hóa cùng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý vào thị trường đó vì đã bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động xác định, chọn thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.
Có thể thấy, trong điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, kể cả đối với nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý. Nguyên nhân một phần là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm các chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký. Các chi phí tìm hiểu, khảo sát thị trường trước đó cũng không hề nhỏ. Với thực trạng phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp của nước ta chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, chi phí tài chính cho những vấn đề này càng trở nên hết sức khó khăn. Chưa kể, không ít doanh nghiệp vẫn còn tư duy “có gì bán nấy”, miễn là có lợi nhuận mà thiếu quan tâm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ngoài ra những “rào cản” về pháp lý, đòi hỏi phải đầu tư công sức, tiền bạc để tìm kiếm, thu thập, do mỗi quốc gia có yêu cầu, thủ tục riêng cũng làm nản lòng không ít doanh nghiệp. Chỉ một chút ngại ngần hay chưa tính toán xa, doanh nghiệp sẽ chùn chân. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ, các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cần có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục đăng ký. Các công ty, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và hoàn thiện thủ tục nhằm trợ giúp nhãn hiệu nông sản dễ dàng đăng ký ở những nước cần thiết. Đối với việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, vai trò của địa phương, các cơ quan chức năng nhà nước rất quan trọng, song hiện nay nhiều địa phương, cơ quan chưa thật sự quan tâm đầu tư đúng mức. Bởi xét về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa ngăn cấm những người không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý song sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Đồng thời, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là nhằm làm cho sản phẩm không trở thành một tên gọi chung để làm mất đi tính phân biệt với những hàng hóa thông thường khác. Đây cũng chính là cơ sở để tạo ra “giá trị vô hình” cho sản phẩm.
“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”, đừng để chậm chân trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nông sản đang là cảnh báo của nhiều chuyên gia thương hiệu. Nhưng có những việc “lực bất tòng tâm” khiến không ít nhãn hiệu hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý nông sản bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ trước. Trong các trường hợp này, chúng ta buộc phải tìm cách “đòi” lại, dù không dễ dàng. Về việc này, chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường đã đề xuất: Một điều rất quan trọng trong việc bảo hộ thương hiệu là khi có trường hợp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ, các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng doanh nghiệp, các địa phương tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai biện pháp phù hợp, kịp thời để bảo vệ thương hiệu sản phẩm có nguy cơ bị mất. Trước hết, tiến hành các thủ tục để có thể đình chỉ (với căn cứ là nhãn hiệu của họ không thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ hoặc chủ nhãn hiệu thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu với mục đích không lành mạnh), hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã được đăng ký của người khác và đăng ký nhãn hiệu của mình (trên cơ sở là nhãn hiệu đó không được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian luật định). Nếu thủ tục đình chỉ (hủy bỏ) thành công thì khả năng nhãn hiệu của mình được đăng ký (được “lấy lại”) là khá cao. Thứ hai là thỏa thuận để mua lại nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu. Ngoài ra, còn có thể dùng biện pháp ngoại giao để chủ nhãn hiệu từ bỏ nhãn hiệu, sau đó phía Việt Nam sẽ đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quy định. Tuy nhiên, phương án này cần có sự tham gia của nhiều cơ quan và thủ tục phức tạp.
Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp bách, cần được quan tâm xứng đáng, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Điều đó không chỉ bảo đảm quyền sở hữu các nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa nông sản của Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài, mà quan trọng hơn, đó chính là tạo “con dấu” minh chứng cho chất lượng nông sản Việt. Đồng nghĩa với việc tăng kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận thu được từ sản xuất của ngành nông nghiệp, khẳng định giá trị của mặt hàng nông sản Việt, nâng cao đời sống người nông dân... bởi khi có thương hiệu, giá trị xuất khẩu nông sản sẽ cao hơn rất nhiều.
THÙY ANH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường