Cha đẻ sữa IZZI lún sâu trong khó khăn, cổ phiếu bị ngừng giao dịch
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định tạm ngừng giao dịch với cổ phiếu HNM của Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk).
Cha đẻ thương hiệu IZZI phải nhận quyết định này do những vi phạm về quy định về công bố thông tin, đặc biệt là chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và bán niên 2019 dù đã quá hạn từ lâu. Lần gần nhất Hanoimilk công bố báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán đã đưa ra hàng loạt ý kiến loại trừ về tính hiện hữu, đầy đủ và có thể thu hồi của hơn một nửa tài sản công ty.
Hanoimilk tự giới thiệu là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp chế biến sữa, nhưng 9 tháng đầu năm chỉ đạt doanh thu hơn 120 tỉ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối quý III là hơn 23 tỉ, so với quy mô tổng tài sản hơn 515 tỉ đồng.
Được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, Hanoimilk từng là một trong những "thế lực" của ngành sữa Việt Nam.
Giai đoạn 2006-2007 được xem là thời hoàng kim khi dòng sản phẩm IZZI của Hanoimilk, hướng vào nhóm khách hàng là trẻ em 3-12 tuổi, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Năm 2007, doanh thu của công ty này đạt gần 340 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế 12 tỷ. Theo một thống kê chưa chính thức, Hanoimilk có thời điểm chiếm khoảng 28% thị phần sữa nước tiệt trùng cho trẻ em và khoảng 9% thị trường nội địa.
Sau giai đoạn thành công với thương hiệu IZZI, Hanoimilk còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây. Ban lãnh đạo công ty không giấu tham vọng trở thành một trong ba doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và là công ty số một về các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.
Tuy nhiên, "biến cố melamine" năm 2008, những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và kế hoạch ra đời hàng loạt thương hiệu mới nhưng không vượt qua được cái bóng của IZZI đã khiến kết quả kinh doanh của Hanoimilk trồi sụt những năm sau đó.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Hanoimilk mỗi năm mang về trên 300 tỉ đồng nhưng 5 năm gần nhất, quy mô doanh thu đã giảm chỉ còn hơn một nửa. Dù đã cắt giảm hàng loạt các khoản chi phí, song lợi nhuận cũng chỉ loanh quanh mốc vài tỷ đồng mỗi năm. So với những doanh nghiệp sữa top đầu thị trường như Vinamilk, Dutch Lady, hay TH, con số này chưa bằng phần lẻ. Kết quả này cũng thấp hơn đáng kể so với nhóm thứ hai trên thị trường, như Sữa Mộc Châu - doanh thu hai năm gần nhất trên 2.400 tỉ đồng, hay Sữa Quốc tế (IDP) với doanh thu trên 1.300 tỉ.
Lần gần nhất Hanoimilk công bố báo cáo kiểm toán là quý II/2018, nhưng khi đó, hơn một nửa tài sản công ty bị nghi ngờ về tính hiện hữu, khả năng thu hồi. Theo đơn vị kiểm toán, hơn 100 tỷ đồng Hanoimilk trả trước cho người bán và tạm ứng cho nhân viên đã nghỉ việc không thể thu được bằng chứng xác định khả năng thu hồi, hơn 165 tỉ đồng hàng tồn kho cũng bị nghi ngờ về tính xác thực.
Trả lời cổ đông tại phiên họp thường niên giữa năm, ban lãnh đạo Hanoimilk cho biết lý do chậm nộp báo cáo soát xét là do chưa thống nhất được với đơn vị kiểm toán về việc trích lập các khoản chi phí. Trước đó, khoản lỗ gần 19 tỉ đồng năm 2017 là do Hanoimilk phải trích lập dự phòng theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán cũ.
Nói về hiện trạng kinh doanh, ban lãnh đạo Hanoimilk cho rằng khó khăn đến từ một số yếu tố khách quan như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu lúc kinh tế suy thoái, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sữa ngày càng khốc liệt. Từ chối cổ đông về phương án M&A với doanh nghiệp khác nhỏ hơn trong ngành do không có tiền, nhưng ban lãnh đạo Hanoimilk hy vọng sẽ được một công ty lớn đầu tư để thay đổi tình hình.
Minh Sơn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường