Cảnh báo việc giả mạo chữ ký, con dấu của trường ĐH Kinh tế để lừa đảo

Thứ ba, 26/03/2019, 09:09 AM

Đại học (ĐH) Kinh tế TP.HCM vừa thông báo về việc có tổ chức giả mạo thông tin tuyển sinh của nhà trường để lừa đảo. Nhà trường không tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình cử nhân quốc tế hợp tác với doanh nghiệp và khẳng định con dấu, chữ ký trong thông tin tuyển sinh trên là giả mạo.

4

Văn bản giả mạo nêu thông tin tuyển sinh hợp tác giữa trường ĐH Kinh tế TP.HCM và các doanh nghiệp uy tín, chất lượng để cấp bằng kế toán, marketing, kinh tế.

Sinh viên sau khi ra trường được cam kết 100% làm đúng chuyên môn tại doanh nghiệp mà trường liên kết với mức lương từ 10 triệu - 12 triệu đồng và tăng theo năng lực. Mức học phí phải đóng 62 triệu đồng/ học viên/ khóa (5 học kỳ) và thanh toán 1 lần thông qua thẻ ATM. 

Trao đổi với PV Lao Động, ThS. Nguyễn Thiện Duy - Chánh Văn phòng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho hay: "Vừa qua, nhà trường nhận được phản ánh của phụ huynh về việc họ nhận được thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chương trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019.

Sau khi kiểm tra, nhà trường phát hiện đây là thông báo giả mạo. Hiện nhà trường không đào tạo chương trình nêu trên. Nhà trường không tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình cử nhân quốc tế và nội dung, con dấu, chữ ký trong thông tin tuyển sinh trên là giả mạo".

Ông Nguyễn Thiện Duy cũng cho biết thêm, để nắm rõ thông tin chương trình đào tạo, phụ huynh và học sinh nên theo dõi thông qua website chính thức của nhà trường để tránh bị lừa đảo.

Đồng thời, khi gặp những trường hợp nghi vấn việc lừa đảo liên quan đến trường, mọi người cần liên hệ với nhà trường để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời

5
6
Thông báo giả mạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Thông báo giả mạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trước đó vào tháng 10/2018, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông báo về việc một tổ chức giả mạo giấy tờ thông báo nhập học chương trình đào tạo liên kết quốc tế của trường để lừa đảo phụ huynh và học sinh. 

Nhà trường không có chương trình học bổng trị giá 18.200 USD/năm của Macquaries University (Úc); chương trình liên kết quốc tế tại ĐH Quốc gia TP.HCM và University of Queensland (Úc).

Văn bản, số điện thoại, chữ ký, con dấu về chương trình đào tạo theo như thông tin của phụ huynh cung cấp đều là giả mạo. Cách thức hoạt động của đối tượng này là gửi các văn bản trên cho phụ huynh và sinh viên, gọi điện thoại yêu cầu chuyển học phí. Sau khi chuyển tiền xong, điện thoại của đối tượng không liên lạc được. 

Anh Nhàn

Theo laodong.vn