“Canh bạc” bưởi tết Tân Triều…
Thương hiệu bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều, vốn nổi tiếng khắp trong ngoài nước. Thế nhưng vụ bưởi tết năm nay, nhiều nhà vườn ở đây cười méo xẹo.
Riêng xã Tân Bình (được sáp nhập từ 3 xã: Tân Triều, Bình Ý, Bình Phước từ năm 1987), huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 3500ha, chuyên canh về: bưởi, lúa xuất khẩu kết hợp với dịch vụ - du lịch, theo tài liệu của báo Đồng Nai (http://baodongnai.com.vn/phongsukysu/201605/tan-binh-vung-dat-cach-mang-2690639/). Trong đó, bưởi vẫn là cây chủ lực.
Hay không bằng hên!
“Năm nay, mưa nắng thất thường, thêm nhuần thành ra 13 tháng, nên nhiều người bó tay luôn! Bưởi ra bông trắng vườn, gặp mấy trận mưa liên tiếp nên rụng hết hà.”, ông Sáu Nghi (Ngô Văn Nghi) ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vừa hớp ngụm trà nguội, than.
Vụ tết năm rồi, vườn nhà ông “bẻ” khoảng 3 - 4 thiên (ngàn trái) bưởi đường lá cam. Còn năm nay không được phân nửa.
“Cả vùng Tân Triều này đều như vậy!”, ông Sáu cao giọng quả quyết.
Theo ông Sáu, trước mùa bưởi đơm bông, cán bộ Huyện, xã cũng đã cử “mấy ông” kỹ sư nông nghiệp xuống tập huấn cho bà con nông dân, rồi “hội thảo này nọ” nhằm nâng cao tỷ lệ đậu trái.
“Cuối cùng cũng không ăn thua! Nói vậy chứ, cũng có một vài ông thắng, hỏi ổng kinh nghiệm. Ổng cười tủm tỉm nói: hay không bằng hên! Vườn ổng cũng đụng mưa, nhưng mưa nhỏ rồi nắng liên tiếp vài ba bữa.”, ông Sáu cười buồn kể.
“Cây này, phải chăm sóc dữ tợn lắm! Không phải như cây chuối, cây điều… mà bỏ bê được. Chua lắm! Đồng ý là, thổ nhưỡng phù hợp”, ông Sáu lại phân trần.
Vườn bưởi nhà ông rộng khoảng 1.2ha, vụ tết năm rồi, mấy cây sung “đeo” từ 80 -100 trái, năm nay chỉ được phân nửa. Có cây “đổ” (rụng) bông hết (trên 10 tuổi), không đậu trái nào.
Theo mùa + tiết, từ năm tháng rưỡi đến sáu tháng mới được 1 vụ bưởi. “Lý thuyết thì 1 năm ăn 2 vụ bưởi. Nhưng thật ra, thủ 1 vụ/năm, mới ăn chắc”, ông Sáu tâm sự.
Ông còn nhiệt tình giảng giải: Trồng nhánh bưởi con, chăm bẵm đến 7 tuổi mới cho trái đạt chuẩn “bán được”. Sang tuổi thứ 8 - 9, cây sung sức nhất, nên cho nhiều trái. Đến năm thứ 10, nó suy dần, nên tỷ lệ đậu trái sẽ thấp hơn. Vườn nhà ông, hơn phân nửa gốc bưởi đường lá cam đã bước sang tuổi 15.
Được biết, năm nay, giá bán sa cạ (cả trái lớn lẫn nhỏ, cỡ từ: 800g - 1.2kg/trái) cho các bạn hàng địa phương của nhiều bà con vùng này, nằm mức: 700.000 - 800.000 đồng/chục (12 trái). Mức giá này, đã được thỏa thuận từ hơn nửa tháng nay.
Giá năm rồi: 600.000 - 650.000/chục (12 trái) tại vườn, sa cạ. Còn hàng lựa, đóng thùng (dùng làm quà biếu) khoảng 1 triệu đồng/chục 12 trái.
Riêng ông Sáu, đợi qua Mùng Mười, tháng Chạp âm lịch mới bán. Một phần do, đợi giá nhích lên. Phần, so sản lượng bưởi ít (dưới 2 thiên), nên không phải vội. Ông dự định sẽ giao kèo với thương lái: hễ gật đầu mua rồi phải tranh thủ “bẻ” trái trong vòng 1 - 3 ngày sau. Khỏi phiền, chuyện thức đêm canh trộm.
Đến hẹn lại lên
Còn anh Út Sơn (Ngô Văn Sơn), nông dân sản xuất giỏi, ở cạnh nhà ông Sáu, “binh” thành hai đường, do có sản lượng bưởi tết gấp đôi ông Sáu.
Với tổng diện tích khoảng 2ha, vụ tết năm nay, vườn nhà anh Sơn có cỡ 4 thiên bưởi đường lá cam, 1 thiên bưởi da xanh. Anh đã bán hết phân nửa, sa cạ (bù qua xớt lại) “giá trên cây” là : 700.000 đồng/chục (1 2 trái) bưởi đường lá cam, 800.000/chục (12 trái) bưởi da xanh.
Số bưởi còn lại, anh chừa bán hàng biếu. Bán thùng (hàng lựa), giá khoảng 1 -1.4 triệu/thùng/chục/12 trái, tùy cỡ, từ : 750g - 1.4kg/trái. “Cũng đã có người dặn hết rồi! Bây giờ lội vô vườn không còn bưởi nữa đâu! Lái đã ôm sạch từ hơn nửa tháng trước rồi”, anh cho biết.
Anh Sơn cũng thừa nhận: năm nay thất khoảng 40% so với năm ngoái.
Năm nào cũng vậy, một số người dân ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, lại tìm đến vườn anh dặn bưởi tết, trước cả tháng. Mặc dù, vùng đó vẫn có trồng bưởi. Tuy vậy, chất lượng bưởi ở đấy, vẫn không bằng được bưởi Tân Triều. Anh Sơn cười ngất giải thích rằng, do vùng đất đỏ (Xuân Lộc) khó hút chất kali - giúp tăng độ giòn ngọt cho muối bưởi.
Hứng khởi, anh nhận định: “Vài năm nay, dân TP.HCM cũng sành sỏi rồi! Không ít người chạy xe hơi hoặc xe tay ga lên tận vườn, đặt mua bưởi chưng/ăn tết. Chứ họ không mua ngoài chợ hay mấy vựa ở “trển” nữa.”
Anh tự tin quả quyết, chất lượng trái bưởi da xanh ở đây vượt trội hơn cả hàng cùng loại của Bến Tre. “ Muối bưởi da xanh ở đây không chỉ ngọt thanh, đậm. Đừng nuốt vội. Thử chắp chắp (chép chép) miệng, còn nghe hậu vị mằn mặn. Đặc biệt ở chỗ đó!” Đồng thời, muối bưởi đường lá cam giòn ráo, mọng nước, vị ngọt thơm và có hậu chua nhẹ.
Theo anh Sơn, sai lầm lớn nhất là, nhiều người mua cứ đòi vỏ bưởi phải đẹp, phải bóng. Chiều thượng đế “hết mức”, thương lái sẽ “bùa” bằng cách: xịt thuốc dưỡng, tẩy (da) trái. Chưa hết, sau khi bẻ trái về, họ còn cho người rửa lại, quét qua dầu phộng cho da trái “bóng ngáo luôn”. Hàng này, để lâu dễ bị úng. “Còn bưởi tụi này, để từ 30 - 45 ngày vẫn còn ngon ăn, mặc dù da nhăn nheo”, anh ấm ức phân trần.
Năm rồi, anh Sơn trúng đậm, bán được 1.5 tỷ đồng. Lão nông Năm Huệ (Huỳnh Đức Huệ), cũng giàu kinh nghiệm trồng bưởi ước đoán: Út Sơn lời khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Anh Sơn gật đầu công nhận: “Nói chung, lời gấp 10 - 20 lần so với trồng lúa, nhưng phải chịu đầu tư.” Anh trồng bưởi đã 17 năm rồi. Vì muốn dưỡng cây, nên anh chỉ “làm bông” (xử lý ra hoa) vụ bưởi tết ở những cây sung. Phần lớn, số trái xanh chi chít còn lại, cỡ từ gần miệng chén đến lọt lòng tô lại, lại lọt ra “bưởi tháng Ba”.
Thế nhưng nhiều lão nông ở đây, quả quyết: ông Năm Huệ mới là người nắm đằng cán. Vì không chỉ trồng bưởi giỏi, mà ông còn có “gian” (duyên) bán bưởi nữa!
Bứt phá
Từ 16 năm trước, ông Huỳnh Đức Huệ (Năm Huệ), giã từ nghề bán phụ tùng xe hơi ở TP.HCM, quay về mảnh vườn cũ, định vui thú điền viên. Thế nhưng, chứng kiến cảnh thương lái o ép “tàn nhẫn” nhiều mặt hàng nông sản: mía, bắp, bưởi… “Nóng máu”, ông trăn trở thâu đêm tự tìm đầu ra cho chính vườn bưởi rộng gần 2ha nhà mình và nhiều bà con thân thiết khác trong vùng.
Bữa nọ, một đàn anh đồng hương, đi đây đó nhiều, ghé lại uống trà với ông. Ra về, vị này vỗ vai ông Năm, nói một câu khiến ông nhớ hoài: “Chú phải học cách bán bưởi nữa mới được. Trồng bưởi giỏi không, thì vẫn cứ chịu thiệt!”
Khoảng nửa năm sau, quán ăn sinh thái Vườn bưởi Năm Huệ ra đời. (Nay là, Làng bưởi Năm Huệ), ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, chỉ có vài món chuyên về bưởi: gỏi bưởi, chè bưởi, bì bưởi chiên, rượu bưởi… Nay, đã có gần 20 món ngon có tên bưởi.
Tất nhiên, trong quầy, luôn sẵn mấy đống bưởi đường lá cam, bưởi da xanh, mới hái, bán giá gốc, phục vụ cho khách có nhu cầu mua về.
“Mình vừa làm, vừa học hỏi, lắng nghe khách hàng góp ý, chứ có tài giỏi hơn ai đâu!”, ông Năm cười hề hề nói.
Đến nay, vườn bưởi nhà ông đã “nở” ra được 4.7ha, đa số vẫn là bưởi đường lá cam. Hỏi về sản lượng bưởi tết năm nay, ông vẫn cười hề hề nói: “thua rồi chú ơi!”
Thật ra ông Năm vẫn thắng. Bởi, mặc dù lượng bưởi thất cỡ 50% so với năm rồi (được gần 2 thiên trái), nhưng ông không còn “bầm gan tím ruột” chuyện thương lái o ép giá nữa. Quán của ông, mở cửa đến ngày Mùng Một, tân niên, lo gì không bán được bưởi?!
“Giá thì tui chưa nói được, nhưng phải thấp hơn thương lái. Ba năm rồi, giá bưởi nhất (cỡ từ 1 - 1.2kg/trái), vụ tết, không dưới 100.000 đồng/ trái. Dự kiến năm nay, có thể nhích lên 20.000/ trái.”, ông Năm cho biết.
Với lại nhờ có quán ăn, nên ông chú tâm việc bắt bưởi cho trái xoay vòng quanh năm hơn. Thế nhưng, do thời tiết năm nay không thuận lợi, nên lứa bưởi tháng Ba của ông khá đông đúc, ước tính sản lượng hơn gấp đôi so với vụ bưởi tết này.
Cao hứng, ông còn tiết lộ về chuyện cây bưởi hợp nhất với đất nào, ở đây. Cụ thể, đất xã Tân Bình, lấy xương sống là Hương Lộ 9, qua cầu Tân Triều, chạy xuống hơn 2km, 2 bên, bưởi cho trái ngon đều. Đi xuống nữa, bên trái thì ngon, do sát rạch Tân Triều - hứng được đất phù sa bồi.
Bên còn lại dạng đất sỏi cơm, nên chất lượng bưởi không thể sánh bằng. Ngay cả, bên kia rạch Tân Triều, thuộc xã Bình Hòa, giá bưởi thương phẩm cũng cỡ 60% so với bên này. Mặc dù, nhiều người bên đó, đang bỏ lúa quay sang trồng bưởi.
Uể oải dẹp bình trà, ông Sáu Nghi đúc kết về một năm sắp cạn: “Năm nhuần, mần ăn trật vuột quá! Mong năm sau, trời thương ngó lại!”
Tạ Tri
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm