Các trung tâm đăng kiểm ùn ứ vì quá tải
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM bị quá tải. Tình trạng này xảy ra khi quy định buộc gắn thiết bị giám sát hành trình ở một số loại ôtô sắp có hiệu lực
Thông tư 86/2014/NĐ-CP của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định kể từ ngày 1-7-2018, taxi, xe đầu kéo rơ-moóc, ôtô kinh doanh vận tải từ dưới 3,5 tấn đến trên 10 tấn phải có giám sát hành trình nếu không sẽ bị xử lý hành chính, không được cấp phù hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc các loại xe trên phải bổ sung thiết bị giám sát hành trình và phải đi kiểm định lại trước ngày 1-7.
Đợi 2 ngày mới đến lượt
Ghi nhận tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-02S (thuộc Sở GTVT TP HCM) từ ngày 24 đến 27-6, ngày nào trung tâm này cũng rơi vào cảnh ùn ứ phương tiện chờ đăng kiểm. Đoạn đường Lạc Long Quân (qua phường 5, quận 11 - nơi trung tâm đăng kiểm này tọa lạc) cũng đông ôtô hơn bình thường. Bên trong trung tâm, các loại ôtô nối thành hàng dài chờ đến lượt kiểm định.
Ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-01S (cũng thuộc Sở GTVT TP nằm ở địa chỉ 117/8D Hồ Văn Long, phường Tân Tạo, quận Bình Tân), lượng phương tiện đến kiểm định tăng mạnh, xe nối đuôi nhau chờ và đợi. Trong đó, nhiều nhất là ôtô kinh doanh vận tải dưới 3,5 tấn. Tương tự, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới khác thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đóng trên địa bàn TP cũng rơi vào tình cảnh quá tải.
Gặp chúng tôi trưa 25-6, ông Nguyễn Văn Em, chủ doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa có trụ sở tại quận Bình Tân, nói rằng DN của ông có tổng cộng hơn chục xe, trong đó xe tới hạn kiểm định gần nhất cũng là tháng 9-2018 nhưng vì quy định nên ông phải "bấm bụng" tốn gần chục triệu đồng để đi đăng kiểm lại. "Tưởng chấp nhận tốn tiền là xong nhưng không phải. Ít nhất 2 ngày qua tôi phải "nằm" ở trung tâm đăng kiểm để chờ tới lượt. Xe đông kinh khủng. Vừa mất thời gian chờ đợi vừa lỡ một vài chuyến hàng. Thiệt khổ hết biết!" - ông Em chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe tải của một DN đóng trên địa bàn quận 6, cho hay đến tháng 11 này chiếc xe do anh lái mới đến hạn kiểm định nhưng do xe thuộc diện phải gắn thiết bị giám sát hành trình nên chủ DN ủy quyền cho anh đi kiểm định để về làm thủ tục xin cấp phù hiệu. "Tưởng được xả hơi, ai ngờ để đăng kiểm được chiếc xe tôi phải mất gần 2 ngày chầu chực ở trung tâm đăng kiểm. Biết vậy, chẳng thà ôm vô-lăng trên đường còn sướng hơn chịu hết 2 buổi trưa nắng như đổ lửa và bụi mờ mịt ở trung tâm" - anh Hùng than vãn.
Chia sẻ của ông Em hay than vãn của anh Hùng cũng là những gì chúng tôi ghi nhận được ở hầu hết các trung tâm đăng kiểm đóng trên địa bàn TP trong ít nhất 4 ngày vừa qua. Theo hầu hết các lãnh đạo trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đóng trên địa bàn TP, khoảng 2 tuần trở lại đây, các trung tâm có dấu hiệu quá tải. "Đúng là có chuyện chờ đợi đến lượt đăng kiểm nên việc tài xế và DN nóng lòng là khó tránh khỏi" - một vị đại diện trung tâm đăng kiểm nói và theo vị này mỗi lần đăng kiểm chủ phương tiện phải mất từ 340.000-610.000 đồng, tùy vào từng loại xe.
Chờ nước đến chân mới nhảy!
Trước thực tế nhiều xe còn hạn đăng kiểm nhưng vẫn phải đi đăng kiểm lại sau khi gắn thiết bị giám sát hành trình, không ít DN vận tải kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nên để họ tiếp tục kinh doanh cho đến kỳ đăng kiểm tiếp theo nhằm tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc cũng như dễ gây ra cảnh quá tải ở các trung tâm đăng kiểm.
Trả lời kiến nghị trên của DN, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, khẳng định rằng quy định tại Thông tư 86 của Bộ GTVT thì từ ngày 1-7-2018 là hạn cuối, do đó các trường hợp không gắn thiết bị giám sát hành trình sẽ không được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải và sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt. Do đó, các phương tiện này phải đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại từ đầu như những lần đăng kiểm bình thường là bắt buộc. "Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi các DN nhắc nhở thực hiện đúng theo quy định của thông tư. Tuy nhiên, không ít DN chủ quan xem nhẹ, chờ đến sát ngày mới đi kiểm định dẫn đến bị ùn ứ chứ không phải lỗi do thông tư hay cơ quan chức năng gây ra" - ông Lâm nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề ùn ứ ở 2/3 trung tâm đăng kiểm do Sở GTVT TP quản lý, ông Lâm nói sẽ chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm thuộc sở tăng cường thời gian làm việc, lực lượng để đáp ứng nhu cầu cho người dân, DN một cách tốt nhất có thể. Cũng theo ông Lâm, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 48.555 phương tiện vận tải hàng hóa được Sở GTVT TP cấp phù hiệu, trong đó xe tải dưới 3,5 tấn là 11.098 xe.
Trong khi đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM (PC67) cho biết theo quy định của Thông tư 86 thì từ ngày 1-7, các phương tiện kinh doanh vận tải không có thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46. Do đó, lực lượng này sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để Thông tư 86 được thực hiện một cách nghiêm túc.
Thu hồi 300 phù hiệu nhờ thiết bị giám sát hành trình
Theo Sở GTVT TP HCM, thông qua việc trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, sở này đã thu hồi 300 phù hiệu do phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên.
Cụ thể, năm 2017 đã nhắc nhở, chấn chỉnh 568 đơn vị vận tải với tổng số 869 phương tiện vi phạm và thu hồi 271 phù hiệu. Từ đầu năm 2018 đến ngày 15-6-2018, chấn chỉnh 147 đơn vị kinh doanh vận tải với tổng số 237 phương tiện vi phạm và thu hồi 29 phù hiệu.
Thành Đồng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội