Cá tra sẽ được Mỹ quyết định "số phận" trong tháng tới

Thứ tư, 22/08/2018, 13:51 PM

Liên quan đến việc đánh giá tương đương sản phẩm cá tra Việt Nam trong Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ ra phán quyết quyết định cuối cùng trong tháng 9/2018. Khi đó, “số phận” cá tra Việt Nam có được công nhận tương đương hay không sẽ được làm rõ.

"Số phận" cá tra Việt sẽ được Mỹ quyết định trong tháng 9 tới. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” được tổ chức tại tỉnh An Giang hôm 21/8, ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết, trong tháng 9/2018, FSIS sẽ ban hành quyết định cuối cùng về đánh giá tương đương đối với cá tra Việt Nam.

Theo ông Phong, trước đó, đoàn thanh tra của FSIS cũng đã hoành thành bước kiểm tra thực địa tại Việt Nam (bước 4) trong quy trình sáu bước để công nhận tương đương, gồm: Bước 1, nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; bước 2, nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT) và các hồ sơ kèm theo; bước 3, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; bước 4, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; bước 5, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và bước 6 là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).

Theo đó, đoàn thanh tra của FSIS đã thực hiện thanh tra thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của hai cơ quan kiểm tra trung ương; một phòng kiểm nghiệm thuộc Nafiqad; tám cơ sở chế biến xuất khẩu, hai cơ sở nuôi cá tra. Từ việc thanh tra thực tế, FSIS tuy đánh giá cao việc tổ chức, thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm, nhưng cũng chỉ ra những lỗi sai cần khắc phục.

Cụ thể, FSIS ghi nhận hệ thống văn bản pháp lý cũng như hệ thống tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ cơ bản phù hợp với các quy định của đơn vị này; không phát hiện sai lỗi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.

"Tuy nhiên, việc ghi chép tại các cơ sở chế biến là không đầy đủ các kết quả giám sát vệ sinh; nước đá có lẫn một ít tạp chất trên bề mặt; thao tác công nhân không phù hợp; đường ống máy rửa không thuận lợi để kiểm soát vệ sinh; một số trang thiết bị, dụng cụ không được bảo trì tốt…", FSIS nêu rõ những điểm cần khắc phục.

Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ ra lỗi của kiểm tra viên là không phát hiện sai lỗi của các cơ sở không ghi chép đầy đủ kết quả giám sát vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Ông Phong cho biết sau khi FSIS kết thúc chuyến thanh tra, đơn vị này đã có công thư gửi FSIS về kết quả khắc phục. Dự thảo báo cáo thanh tra của FSIS sau đó cũng ghi nhận Nafiqad đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu về việc các doanh nghiệp đã khắc phục sai lỗi, sẽ tiếp tục nghiên cứu hồ sơ.

Tiếp đó, ngày 24/7, Nafiqad đã tổ chức buổi họp nhóm công tác hỗn hợp với FSIS để thảo luận, giải trình trực tiếp các sai lỗi được nêu ở trên.

Và tới ngày 10/8, Nafiqad đã có công thư gửi FSIS các góp ý chính thức của phía Việt Nam (bước số 5).

Dù Việt Nam đã gửi FSIS đầy đủ các hồ sơ, bằng chứng về việc khắc phục các sai lỗi nêu trên. Nhưng, theo ông Phong, nếu các hoạt động hợp tác kỹ thuật, vận động ngoại giao và đấu tranh pháp lý không được phối hợp thực hiện một cách hài hòa, bài bản, thì Mỹ có thể căn cứ vào các sai lỗi này để đưa ra phán quyết bất lợi về kết quả đánh giá tương đương cho cá tra Việt Nam.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/3/2016. Tuy nhiên, FSIS cho các nước xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ thời gian chuyển tiếp 18 tháng để chuẩn bị các hồ sơ liên quan. Do đó, thời điểm chính thức áp dụng chương trình này là từ ngày 1/9/2017.

Theo đó, kể từ ngày 1/9/2017, nếu quốc gia nào không nộp hồ sơ đánh giá tương đương, sẽ không được phép xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ. Riêng Việt Nam đã nộp hồ sơ phục vụ đánh giá tương đương vào ngày 23/8/2017.

Theo lộ trình được FSIS thông báo rộng rãi với các nước, quyết định áp dụng kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ được thực hiện từ ngày 2/8/2017, tức sớm hơn thời điểm chính thức một tháng. Sự thay đổi ở trên đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ. Tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ từ chỗ chiếm 21,1% của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm xuống còn 17,6% trong 6 tháng cuối năm.

Trung Chánh

TBKTSG

largeer