Buôn bán thuốc lá lậu: Chia nhỏ số lượng để “né” trách nhiệm hình sự
Từ khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, để tránh bị xử lý hình sự, các đối tượng đã chia nhỏ số lượng thuốc lá lậu, mỗi chuyến vận chuyển từ 500 bao đến dưới 1.500 bao…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Trịnh Văn Ngọc, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tuy không còn công khai như trước đây. Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực…
Đáng nói, phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn như vận chuyển hàng hóa trên xe ô tô cá nhân, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, thiết kế hầm bí mật trên xe, ngụy trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hóa khác, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển nhiều lần, thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa bàn hoạt động.
Riêng đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, từ khi Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, để tránh bị xử lý hình sự, việc vận chuyển bằng xe gắn máy có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn chia nhỏ số lượng vận chuyển mỗi chuyến từ 500 bao đến dưới 1.500 bao.
Gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu; kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng phương tiện không có tem kiểm định…
Hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng: tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện...
Với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó gia công, các đối tượng thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề rồi trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn. Còn hoạt động kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng vẫn tồn tại và rất khó truy xuất nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng…
Những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu lực lượng QLTT cần tăng cường triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019; kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
Đồng thời, thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 79.280 vụ, phát hiện và xử lý trên 52.140 vụ với tổng số tiền nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng. Trong đó, kiểm tra phát hiện 2.342 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt 8,9 tỷ đồng và tịch thu 390.000 bao thuốc lá các loại; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 13 cửa hàng xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng; xử phạt hành chính hơn 5,1 tỷ đồng… Riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xử lý 4.663 vụ vi phạm; xử phạt 11,2 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ trên 8,9 tỷ đồng.
Phương Thảo – Gia Ân
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội