Bùng nổ dịch vụ giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam

Thứ ba, 29/05/2018, 20:51 PM

Thời đại công nghệ lên ngôi, chỉ cần một cú nhấp chuột thì những món ăn yêu thích sẽ được giao đến tận tay người mua. Từ những nhu cầu của người tiêu dùng đã trở thành thị trường tiềm năng cho các dịch vụ giao thức ăn nhanh phát triển mạnh mẽ.

 Thị trường tiềm năng

Trong báo cáo “Những bước chuyển trong Ngành hàng thực phẩm” được công bố bởi Nielsen thì năm 2017 tại Việt Nam ngành thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất.

Theo thống kê từ năm 2016 đến 2017, số liệu người mua hàng trực tuyến từ tăng từ 40% lên 52%. Có thể thấy xu hướng mua hàng qua internet ngày càng phổ biến rộng rãi, không chỉ từ đồ dùng hàng ngày, mĩ phẩm ngay đến đồ ăn cũng được yêu chuộng đặt hàng trực tuyến.

Tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu... mô hình đặt đồ ăn online không quá xa lạ với người tiêu dùng khi không có nhiều thời gian chế biến các món cầu kì hay ít tới nhà hàng. Hiện tại ở Việt Nam đường đua trên thị trường đặt món trực tuyến chỉ xuất hiện một vài cái tên như: Vietnammm.com, Hungry.vn, Chonmon.vn hay DeliveryNow.vn.

Xu thế đặt thức ăn nhanh trên các thiết bị di động, điện thoại di động... ngày càng phát triển và rõ rệt hơn. Vietnammm.com là một trong những dịch vụ đặt món trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay sau khi mua lại và tiếp nhận toàn bộ khách hàng và đối tác của Takeaway.com, Vietnammm.com ngày càng củng cố vị trí gần như dẫn đầu trong thị trường thức ăn trực tuyến tại Việt Nam và ra mắt dịch vụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng. 

Các dịch vụ giao thức ăn trực tuyến đang bùng nổ

Các dịch vụ giao thức ăn trực tuyến đang bùng nổ

Tại TP.HCM, nhắc đến dịch vụ đặt món ăn trực tuyến được nhắc nhiều là DeliveryNow.vn khởi phát từ một trang web ẩm thực Foody.vn. Sau thành công từ cộng tác với chuỗi nhà hàng, đơn vị cung cấp đồ ăn nước uống, Delivery Now đang dần chiếm được niềm tin của khách hàng.

Ở khía cạnh khác, trong thị trường thương mại điện tử đã có một vài “ông lớn” không đủ sức về tài chính để trụ lại trên cuộc đua khốc liệt này. Điển hình là Eat được VCCorp mua lại. Hay Foodpanda.vn đã đầu tư mạnh cho đội ngũ giao nhận hàng nhưng với doanh thu không đủ để duy trì phải bán lại cho Vietnammm.com.

Rõ ràng thị trường đặt món trực tuyến còn nhiều tiềm năng trong thời đại với tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, nó đòi hỏi các hãng dịch vụ phải có sự đầu tư lớn cho các nguồn nhân lực giao hàng. Theo giám đốc một công ty vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực giao nhận, việc giao nhận món ăn cần phải đầu tư một số lượng lớn nhân viên mới có thể “phủ sóng” toàn bộ các điểm giao nhận trên toàn thành phố (Hà Nội, TP.HCM), đồng thời phải tổ chức nhóm giao nhận chuyên cho món ăn chứ không thể sử dụng đội ngũ giao nhận các mặt hàng như quần áo, túi xách hay phụ kiện điện thoại. Bên cạnh đó hầu hết các dịch vụ chỉ là khâu trung gian tập hợp các đơn hàng có sẵn của nhà hàng nên việc đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay khách hàng còn hạn chế.

Chị Hoàng Ngọc Giang (Q.5) chia sẻ: “Mình cũng thường dùng dịch vụ của DeliveryNow, tuy nhiên lâu lâu nó hay order thiếu món hay sai món cho mình, mất tiền mua mà không nhận được món ưng ý thấy không hài lòng.”

 Grabfood “tay đua” mới đầy triển vọng

Sau thời gian hoạt động tại Jakarta (Indonesia) vào năm 2016 và thử nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) năm 2017, hãng công nghệ có trụ sở tại Singapore vừa ra mắt “tay đua” mới mang tên GrabFood vào thị trường đặt thức ăn trực tuyến tại Việt Nam. Đây được cho là đối thủ nặng  kí với DeliveryNow.vn.

GrabFood chính thức được thử nghiệm tại TP.HCM trên phạm vi 5 quận (1, 3, 7, Bình Thạnh và Tân Bình), hợp tác với 500 nhà hàng, quán ăn có mặt trong khu vực trên.

Với Grabfood, người dùng chỉ cần chọn những món ăn ưu thích trong danh sách các nhà hàng/quán ăn của Grab. Với các quán ăn gần khách hàng sẽ được đưa lên đề xuất và hiển thị thời gian giao hàng và tên quán. Dịch vụ Grabfood không quá phức tạp khi sử dụng. Hiện tại Grab khuyến khích người dùng thanh toán qua Grabpay để được giảm giá và tích điểm cho những lần đặt hàng sau. 

So với các hãng dịch vụ khác, Grab lợi thế hơn sau khi thâu tóm Uber thì mảng vận chuyển với đội ngũ giao hàng đông đảo, nguồn tài chính lớn và kinh nghiệm trên 2 thị trường lớn ở Đông Nam Á. Chắc chắn lượng khách hàng của GrabFood sẽ tăng lên đáng kể.

Grab bất ngờ nhảy sang địa hạt mới, cạnh tranh với các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến

Grab bất ngờ nhảy sang địa hạt mới, cạnh tranh với các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến

Chờ đón những tên tuổi mới

Đời sống người dân dần cải thiện, theo đó thì dịch vụ giao thức ăn tận nơi cần chuyên môn hóa, các chuỗi nhà hàng/quán ăn cùng các đơn vị giao thức ăn tận nơi cần hợp tác chặt chẽ với nhau, tạo ra các khuyến mãi hấp dẫn người dùng. Sau thời gian hoạt động nhận thấy tính thực tế và hiệu quả kinh doanh từ thị trường đặt món trực tuyến mang lại, phân khúc thị trường này sẽ khốc liệt với sự cạnh tranh của các tên tuổi cả mới lẫn cũ. Nhu cầu ăn uống của con người ngày một tăng, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ hiện đại, thì các trang web, ứng dụng thuộc mô hình này sẽ ngày mở rộng. Nhiều người hy vọng trong tương lai sẽ chào đón thêm các hãng dịch vụ giao thức ăn nhanh, góp phần hoàn thiện và phát triển tốt hơn.

Tố Uyên

Theo NTD

largeer