"Bóng ma" lạm phát đang đè nặng lên doanh nghiệp

Thứ ba, 29/03/2022, 16:03 PM

Nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” kìm tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để giữ sức mua, trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới.

Đó là nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK, Bộ KH-ĐT) tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I-2022 vào sáng 29-3 tại Hà Nội.Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12-2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý I-2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Nguyên nhân đà tăng được xác định là do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I-2022 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

tctk_szqg

Theo TCTK, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang khiến nhiều DN sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.

Vị đại diện TCTK cho hay, hiện tại, tuy mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.

Tất cả những nhân tố trên sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp trong nước đang trên đà phục hồi sau dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ buộc phải “gồng mình” trước áp lực lạm phát như buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất, quy mô, nhân công, cân đối giữa đầu vào với đầu ra sản phẩm sao cho hợp lý…Về giải pháp, theo bà Nguyễn Thị Hương, trong thời gian tới, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Capture

Lưu Thủy

Theo saigondautu.com.vn

largeer