Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc bài học "cay đắng" khi đến BV Nhi Đồng 2
"Ở Hà Nội, chúng ta đã từng có bài học cay đắng với mùa dịch sởi, bệnh nhi càng vào BV thì càng nặng, càng tử vong vì lây chéo sởi, nhiễm tay chân miệng..."- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngày 12-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến chỉ đạo công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM) trong mùa dịch bệnh đang diễn tiến bất thường.
Bộ trưởng đi thăm Khoa Nhiễm, nơi có nhiều trẻ bị sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nhập viện. Bộ trưởng động viên các gia đình có con nhỏ đang điều trị; đánh giá cao nỗ lực của các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 trong thời gian qua.
Theo bộ trưởng, phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, mệt mỏi…thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh. Bệnh nặng thì mới đưa vào BV cấp cứu theo dõi, để xử lý kịp thời.
"Phòng bệnh, lọc bệnh, cách ly, là 3 giải pháp hạn chế tình trạng lây bệnh chéo như hiện nay. Đặc biệt, đối với những bệnh nhiễm như sởi, hô hấp, kể cả luồng đi khám bệnh và ngồi chờ khám cũng cần phải cách ly tuyệt đối. BS cần quyết liệt trong vấn đề lọc bệnh để giảm tải. Mặt khác, BV tuyến cuối là nơi điều trị bệnh nặng nhất nên vào đó nguy cơ bị lây nhiễm rất cao. Ở Hà Nội, chúng ta đã từng có bài học cay đắng với mùa dịch sởi, bệnh nhi càng vào BV thì càng nặng, càng tử vong vì lây chéo sởi, nhiễm tay chân miệng..."- Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng nhận xét cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân về ý thức phòng ngừa bệnh. Làm sao để người dân có thể phòng ngừa để không bị mắc bệnh, chứ không phải đợi có bệnh mới đến cơ sở y tế…Do bệnh tay chân miệng lây qua đường phân, vi -rút, vì vậy cơ bản là phải vệ sinh tay trẻ em, người chăm sóc trẻ, đồ chơi, nền nhà, ăn uống sạch và đầy đủ chất.
Về bệnh sởi, đã có vắc-xin ngừa bệnh hiệu quả nhưng do người dân chưa có ý thức nên không tiêm ngừa dẫn đến mắc bệnh. Do vậy, cần tiêm sởi cho trẻ lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.
Riêng về bệnh sốt xuất huyết, người dân chỉ cần biết muỗi vằn gây bệnh đẻ nơi nước sạch, nên phải lật úp vật chứa nước (bình bông, vỏ xe, lon sữa…). Phòng bệnh tận gốc là diệt lăng quăng, sau đó là phun thuốc diệt muỗi.
Trịnh Thiệp
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội