Bỏ tiền thật mua cây giả: Khi "thượng đế"... sập bẫy!
Lợi dụng tâm lý chủ quan của "thượng đế", nhiều gian thương đã gắn quả táo đỏ, phật thủ bằng keo lên cây dành dành, trà hương để quảng cáo là dòng cây bonsai thế hệ mới nhằm lừa gạt người tiêu dùng.
Chi hơn 500.000 đồng mua 2 cây táo bonsai nhưng nhận về là cây dành dành, chị Vũ Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy rất bức xúc. Chị cho biết, trên đường đi làm về, chị thấy chị thấy tiểu thương bày bán một loại cây lạ, quả xung quanh là táo đỏ nhưng lá lại giống cây dành dành. Chị có thắc mắc nhưng người bán cho rằng đây là cây táo đỏ lùn, dòng bonsai thế hệ mới. Cả tin, chị rút ví ra mua 2 cây táo với giá 250.000 đồng/cây.
"Về tới nhà, tự nhiên, tôi thấy một quả lìa ra khỏi cành, nhặt lên mới ngã ngửa. Hóa ra, đây chính xác là cây dành dành, quả là táo nhưng không phải chiết, ghép mà do dính bằng keo nến xung quanh" - chị kể.
Do kỹ thuật bắn keo khá tinh vi, nốt gắn nhỏ mà nhiều "thượng đế" đã bị sập bẫy khi bỏ tiền thật mua cây cảnh giả. Nhưng khi biết mình bị lừa, chị Nguyệt đành ngậm đắng nuốt cay, coi như đây là bài học đáng giá. Bởi cây được bán rong ở đường, chị cũng không biết đi đâu để tìm lại tiểu thương đã bán cây cho chị.
"Tôi cũng tính để trong nhà vài hôm rồi vứt cây đó đi, bởi thi thoảng, chúng lại rụng quả. Mà quả thì vẫn tươi roi rói, chắc chắn là có tẩm ướp thuốc gì" - chị cho biết.
Tương tự, anh Trọng Vũ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng sập bẫy gian thương khi mua phải cây phật thủ rởm. Anh cho biết, người bán đã dùng keo 502 và keo nến để dính cuống quả phật thủ với cành cây trà hương. Do quả khá to và có kích thước lớn nên tiểu thương chỉ gắn 2 - 3 quả và chọn những cành to, cận gốc.
"Lúc mua, tôi cũng thấy ngờ ngợ, có hỏi vặn lại người bán nhưng họ bảo rằng, đây là cây ghép. Vì hiện nay có nhiều cây cảnh cũng làm theo hướng chiết ghép. Nhưng đó là làm thật, còn đây là làm giả ăn xổi, lừa gạt người tiêu dùng" - anh bức xúc nói.
Như anh tìm hiểu, dòng cây cảnh gắn keo này thường có chiều cao 40 - 80cm được bán với giá 150.000 - 300.000 đồng/cây. Loại quả thường được gắn keo là táo đỏ, phật thủ hay sung. Tùy vào kích cỡ mà mỗi cây sẽ có từ 3 - 8 quả.
Đặc điểm chung của những dân buôn này là ít khi ngồi ở vị trí cố định mà thường xuyên di chuyển trên các tuyến đường.
Trong vai là người mua hàng, phóng viên Dân Trí đã tiếp cận được N.T, một người chuyên bán cây cảnh gắn keo ở Hà Nội. Theo tìm hiểu, toàn bộ số táo, phật thủ, sung trên cây đều được người này gắn bằng keo nến.
Để tiết kiệm chi phí, T tìm đến các chợ đầu mối thu mua quả rẻ rồi mang về bọc, tẩm ướp để giữ tươi. Sau khi cuống quả khô, người này sẽ định vị, buộc, gắn quả vào từng cành.
"Thực ra, nếu khách nào tinh, hỏi quá thì tôi đành trả lời thật là cây gắn keo. Còn không, cứ quảng cáo là táo đột biến, táo bonsai thế hệ mới thì ai mà chẳng thích. Một cây bonsai thật có giá tiền triệu thì những cây như này chỉ có giá vài trăm nghìn đồng" - T. tiết lộ.
Ngoài ra, T. còn cho biết, anh đã làm nghề bán cây cảnh gắn keo được 2 năm, đa phần là buôn vào dịp Tết. Các địa điểm mà anh bán thường là dọc các con đường lớn ở Hà Nội như Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Đê La Thành, Nguyễn Trãi... Mỗi dịp Tết Nguyên đán, T. thu về cả chục triệu đồng tiền lãi từ bán cây gắn keo kiểu này.
An Chi
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm