Bộ Tài chính sửa khái niệm đồ uống có đường trước khi đánh thuế TTĐB
Sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ được loại khỏi danh mục đồ uống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục chịu thuế sẽ được xác định theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019.
Tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính đã đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sau khi ghi nhận 74 ý kiến nhất trí và 26 ý kiến khác về sắc thuế này.
Sẽ sửa khái niệm đồ uống có đường
Hiện một số đơn vị như Hội lương thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham)… đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào diện chịu thuế.
Giải trình vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã có nhiều nghiên cứu về tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người được các tổ chức y tế trong và ngoài nước công nhận. Mặt khác lượng tiêu thụ của người Việt Nam lại có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Số liệu của WHO cũng cho thấy đã có khoảng 85 quốc gia áp dụng sắc thuế này vào đồ uống có đường. Một số quốc gia như Mexico, Thái Lan đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Trong khi đó, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật.
Về khía cạnh này, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019 định nghĩa nước giải khát gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây. Bộ Tài chính cho rằng sữa và các loại sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải nước giải khát theo tiêu chuẩn này và là hàng hóa phục vụ mục đích dinh dưỡng cho con người.
Để tránh tiếp tục có những kiến nghị về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các mặt hàng như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao sẽ được loại trừ khỏi diện chịu thuế.
Bộ sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nước giải khát có hàm lượng đường thấp.
Giữ quan điểm áp thuế TTĐB với game online
Ngoài đồ uống có đường, Bộ Tài chính cũng giữ nguyên đề xuất bổ sung “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được cấp phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Đến nay, phương án này nhận được 90 ý kiến nhất trí và 10 ý kiến khác. Nhóm ý kiến khác cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc đề nghị không đưa game online vào đối tượng chịu TTĐB.
Về lý do, nhóm phản biện cho biết game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển nêu tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP và Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023.
Ngoài ra, game online có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Hiện 5/10 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong top 10 doanh nghiệp phát hành game lớn nhất khu vực. Doanh thu game online năm 2022 của khu vực Đông Nam Á là 4,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm 507 triệu USD.
Song, Bộ Tài chính cho biết báo cáo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý game online cũng có tác động tiêu cực đến người chơi đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, tạo ra các vấn đề về sức khỏe thể chất cùng sức khỏe tâm thần.
Doanh thu ngành game online tăng trưởng khá trong các năm vừa qua. Từ 7.581 tỷ đồng vào năm 2019 lên 11.486 tỷ đồng vào năm 2021 và dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng vào năm 2022.
“Do vậy, cần thiết đưa kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng nhất là với thanh thiếu niên cũng như mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước”, Bộ Tài chính lập luận.
Các ý kiến phản biện cũng đề cập việc đưa ngành game online trong nước vào diện chịu thuế TTĐB có thể dịch chuyển hành vi tiêu dùng của người chơi sang các mặt hàng được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài hay buộc doanh nghiệp Việt Nam chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quy định game online cung cấp tại Việt Nam phải do doanh nghiệp trong nước phát hành. Doanh nghiệp muốn kinh doanh game online phải đáp ứng nhiều điều kiện như thành lập tại Việt Nam, được cấp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ngay cả với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp game online tại Việt Nam. Đối với game lậu, Bộ có trách nhiệm tăng cường quản lý và phối hợp các bên liên quan để rà soát, gỡ bỏ game lậu.
Dù chưa có chính sách thuế TTĐB nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn đóng trụ sở ở nước ngoài để sản xuất. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn đầu tư ở nước ngoài như danh tiếng, vị thế, thủ tục hành chính. Do vậy Bộ Tài chính tin rằng ý kiến liên quan đến việc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp.
MINH KHÁNH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường