“Bỏ quên” thị trường Hồi giáo vì vướng thủ tục chứng nhận Halal
Thị trường dành cho người Hồi giáo trong khu vực ASEAN rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng trong việc đáp ứng các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn.
Làm cách nào để xuất khẩu hiệu quả sản phẩm tới các quốc gia có người Hồi giáo - thị trường vốn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) Việt Nam - là nội dung được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Xuất khẩu 2018 với chủ đề "Thị trường ASEAN và Trung Quốc" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức sáng 14/12.
Theo ITPC, với 1/2 dân số ASEAN là người Hồi giáo, ngành công nghiệp Halal, tức ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, thực sự trở thành ngành công nghiệp quan trọng, còn nhiều tiềm năng trong khu vực. Đây chính là cơ hội lớn cho DN Việt Nam nhằm tận dụng triệt để cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường ASEAN. "Halal là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trên thế giới, có trị giá 2.300 tỉ USD doanh thu mỗi năm, thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả quốc gia không có người Hồi giáo tham gia" - ITPC nhận định.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trưởng Bộ phận Marketing Văn phòng chứng nhận HALAL, đánh giá thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi sản phẩm đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Mỹ, Châu Âu, nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Trong đó, sản phẩm phải đảm bảo không có thành phần thịt heo, chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn người Hồi giáo; không quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác… trên bao bì sản phẩm; bao bì hàng hóa phải có nhãn tiếng Ả Rập...
Tuy nhiên, theo bà Hằng, do người theo đạo Hồi chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở Việt Nam (dưới 1%) nên DN Việt Nam còn xa lạ với việc sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Chưa kể đến, tiêu chuẩn Halal của các quốc gia hiện rất khác nhau khiến cho các nhà xuất khẩu lúng túng trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng nước theo đạo Hồi.
"Ở Việt Nam, tuy có nhiều tổ chức cung cấp chứng nhận Halal nhưng lại chưa có quy định, tiêu chí rõ ràng để đánh giá. DN cũng khó khăn trong xác định tổ chức nào được công nhận cấp giấy phép, giấy phép công nhận có phù hợp, có được chấp nhận ở các thị trường không. Chưa kể, có DN còn chưa nhận thức được rõ tiêu chuẩn Halal là gì, nhiều DN chỉ quan niệm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal là sản phẩm không có thịt heo, mà không biết Halal còn đưa ra hàng loạt chất cấm khác" - bà Hằng nêu thêm.
Để tiến tới sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal theo nhu cầu của thị trường, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cho rằng DN cần chủ động đáp ứng trước các tiêu chuẩn Halal để khi có đơn hàng, việc xin giấy chứng nhận sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Với các nhà máy sản xuất cả sản phẩm Halal và sản phẩm thường, phải đảm bảo tách biệt hoàn toàn thiết bị máy móc, nhân sự, lối đi… của 2 dây chuyền.
"DN Việt cần học một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, dù chưa có khách hàng nhưng đã dự đoán được thị trường, làm chứng nhận Halal trước. Hơn nữa, đáp ứng tiêu chuẩn Halal tức là đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Như thế, kể cả hàng hóa không xuất sang quốc gia đạo Hồi nhưng nguồn nguyên liệu được chứng nhận Halal vẫn có thế mạnh rất lớn ở nhiều thị trường khó tính" - bà Hằng gợi ý.
Phương Nhung
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội