Bộ GTVT thống nhất phương án tổ chức để thu phí trở lại ở BOT Cai Lậy
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có chỉ đạo về phương án tổ chức thu phí dự án BOT Cai Lậy sau hơn 2 năm dừng thu phí.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thống nhất phương án tổ chức thu phí dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất xây thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy, thu phí song song với trạm BOT cũ đặt trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang (dự án BOT Cai Lậy). Việc xây thêm trạm thu phí được giao cho nhà đầu tư thực hiện.
Về phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT cho biết trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu từng năm để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo phương án tài chính của dự án.
Đồng thời, Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư (PPP) tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thu phí đối với dự án BOT Cai Lậy; tham mưu Bộ GTVT có văn bản triển khai phương án tổ chức thu phí đối với dự án.
Như vậy, trong chỉ đạo lần này, Bộ GTVT chưa đề cập đến phương án giảm mức phí tại trạm BOT cũ khi trạm mới đi vào hoạt động mà trước mắt Bộ GTVT chỉ đạo triển khai thu phí và theo dõi doanh thu qua từng năm để có cơ sở điều chỉnh.
Được biết, phương án được Bộ GTVT đưa ra cũng trùng với phương án được UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lựa chọn tại Văn bản 130 ngày 26-8-2019: "UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị thực hiện phương án lập thêm một trạm trên tuyến tránh, thu cả hai trạm trên tuyến tránh và QL1 hiện hữu để hoàn vốn đầu tư dự án".
Được biết Dự án đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) có chiều dài 38,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỉ đồng, gồm hai hợp phần:
Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4 km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến.
Hợp phần 2 - Xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí hoàn vốn trên QL1 đặt tại khoảng Km1999+900, QL1 nằm trong phạm vi dự án.
Từ khi trạm BOT Cai Lậy đi vào hoạt động ngày 1-8-2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Đến ngày 14-8-2017, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí.
Sau đó, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho 4 xã lân cận).
Ngày 30-11-2017, trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp do sự phản ứng của nhiều tài xế. Từ ngày 4-12-2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí đến nay.
Văn Duẩn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội