Bộ Công Thương làm gì để thúc xuất khẩu hàng hóa cuối năm?
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương: Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm tỷ trọng khoảng 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu loại trừ hai mặt hàng dầu thô và điện thoại di động thì tỷ trọng này còn khoảng 63,8%.
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 9, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng trưởng 10%). Điểm đáng chú ý là xuất khẩu của khối DN trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Với đà xuất khẩu hiện tại, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017 (đạt 214,01 tỷ USD).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…; đồng thời tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O; đề xuất các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.
Nhìn nhận về câu chuyện xuất khẩu hàng hóa nói chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh xung đột thương mại hiện nay, các thị trường ngày càng khắt khe về hàng rào kỹ thuật, hàng rào bảo hộ, đặt ra yêu cầu phải có sự xâu chuỗi, kết hợp bộ, ngành nhằm giải quyết tốt vấn đề thị trường. Tất cả các bộ, ngành như Công Thương, NN&PTNT, Tài chính… phải vào cuộc để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”.
Thanh Nguyễn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường