Biểu tình “áo vàng”: Thảm họa với nền kinh tế Pháp
Phong trào biểu tình "áo vàng" đã trở thành "một thảm họa" đối với nền kinh tế Pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Bruno Le Maire nhận định.
Theo tin từ Reuters, nước Pháp đã chứng kiến các cuộc biểu tình cuối tuần thứ tư liên tiếp của phong trào "áo vàng" vào ngày thứ Bảy vừa rồi. Đây là phong trào phản đối tăng thuế xăng dầu, chi phí sinh hoạt cao và các chính sách khác của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
Khoảng 125.000 người biểu tình đã xuống đường vào ngày thứ Bảy và đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát chống bạo động đã diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Paris. Khoảng 1.200 người đã bị bắt.
Theo dự kiến, vào ngày thứ Hai, ông Macron có thể công bố các biện pháp phản ứng khủng hoảng trong một bài phát biểu trước toàn quốc.
Trong một chuyến thăm các cửa hiệu ở Paris bị người biểu tình đập phá, Bộ trưởng Le Maire ngày Chủ nhật gọi những gì đang diễn ra là "một cuộc khủng hoảng" đối với cả xã hội về nền dân chủ Pháp. "Đây là thảm họa đối với hoạt động kinh doanh và cả nền kinh tế của chúng ta", ông Le Maire phát biểu.
Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở Paris, với nhiều cửa kính bị đập vỡ, xe cộ bị đốt cháy, và các cửa hiệu bị đốt phá. Ước tính có khoảng 10.000 người xuống đường biểu tình ở thành phố này hôm thứ Bảy.
"Thiệt hại lần này còn lớn hơn vào tuần trước", Phó thị trưởng Emmanuel Gregoire của Paris phát biểu trên sóng truyền thanh địa phương. Tuy vậy, ông Gregoire cho biết số người bị thương đã giảm xuống.
Ngoài bài phát biểu toàn quốc vào tối ngày thứ Hai, ông Macron cũng dự định sẽ gặp thủ lĩnh các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp vào buổi sáng.
Hiện còn quá sớm để đưa ra được những con số đầy đủ về thiệt hại mà biểu tình gây ra cho kinh tế Pháp, nhưng mức độ thiệt hại chắc chắn là lớn.
Tờ báo Le Parisien nói rằng có khoảng 50 xe hơi đã bị đốt ở Paris và hàng chục cửa hiệu bị phá. Hôm thứ Sáu, Liên đoàn Bán lẻ Pháp cho biết các nhà bán lẻ ở nước này đã thiệt hại khoảng 1 tỷ Euro kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra hôm 17/11.
Ông Francois Asselin, Chủ tịch Liên đoàn Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp nói với tờ báo Dimanche rằng biểu tình có thể khiến các công ty thành viên trong hiệp hội thiệt hai 10 tỷ Euro.
Phong trào "áo vàng" bắt đầu là một cuộc biểu tình phản đối tăng thuế đối với dầu diesel, loại nhiên liệu được dùng phổ biến cho xe hơi ở Pháp và bị đánh thuế cao hơn so với các nhiên liệu khác.
Giá dầu diesel ở nước này đã tăng khoảng 23% trong vòng 12 tháng qua. Việc ông Macron quyết định tăng thuế thêm 6,5 cent/lít dầu disel và 2,9 cent/lít xăng kể từ ngày 1/1/2019 đã khiến người dân nổi giận.
Ông Macron lập luận rằng giá dầu diesel ở Pháp tăng chủ yếu là do diễn biến giá dầu thế giới, đồng thời nói việc tăng thuế đối với nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để đầu tư cho năng lượng tái sinh và chống biến đổi khí hậu.
Đối mặt với biểu tình, Chính phủ Pháp đã hoãn kế hoạch tăng thuế xăng dầu và đóng băng giá điện, xăng cho năm 2019. Tuy nhiên, người biểu tình còn đang bất mãn với nhiều vấn đề khác, kêu gọi tăng lương, giảm thuế, tăng lương hưu, và mở rộng hơn cánh cửa vào đại học.
Phong trào biểu tình này phản ánh rõ nét sự bất mãn về kinh tế và chính trị của tầng lớp lao động nghèo hơn ở Pháp, thu hút sự ủng hộ sâu rộng.
Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện hôm thứ Sáu cho thấy tỷ lệ người Pháp ủng hộ phong trào "áo vàng" là 66%, trong khi đó tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Macron đã giảm còn 23%.
Bình Minh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội