Biến đổi khí hậu khiến bệnh tả thêm trầm trọng trên toàn cầu

Thứ năm, 03/08/2023, 14:18 PM

Hãng tin AP dẫn lời giới chuyên gia y tế nhận định những hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến bệnh tả bùng phát mạnh ở khắp nơi.

Đầu năm 2022, gần 200.000 người Malawi phải sơ tán sau khi trong vòng 1 tháng phía đông nam châu Phi hứng chịu hai cơn bão nhiệt đới cướp đi 64 sinh mạng.

Ngay trong mùa mưa, hai cơn bão Ana và Gombe tàn phá nhà cửa, cơ sở hạ tầng, cây trồng trên khắp miền Nam Malawi.

Đại diện Quỹ trẻ em Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Malawi Gerrit Maritz cho biết: “Tháng 3 năm đó chúng tôi nhận thấy bệnh tả - thường là bệnh đặc hữu ở đây - bùng phát thành dịch”.

Quốc gia châu Phi này ghi nhận bệnh tả thường hoành hành vào mùa mưa (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau), tập trung chủ yếu ở khu vực quanh hồ Malawi, miền Nam đất nước và mỗi năm khiến khoảng 100 người tử vong.

Dịch tả bùng phát năm ngoái lại diễn biến rất khác lạ: lây lan suốt mùa khô, đến tháng 8 lại chuyển sang khu vực phía bắc và trung tâm đất nước. Đến đầu tháng 2 năm nay số ca mắc đạt đỉnh 700 người/ngày với tỷ lệ tử vong lên đến 3,3% – cao gấp 3 lần thông thường.

Khi số ca mắc bắt đầu suy giảm vào tháng 3, dịch tả đã cướp đi hơn 1.600 sinh mạng trong vòng 12 tháng (nhiều nhất từ trước đến nay tại Malawi).

Malawi ghi nhận dịch tả sau khi bị hai cơn bão Ana và Gombe tàn phá - Ảnh: The New York Times

Malawi ghi nhận dịch tả sau khi bị hai cơn bão Ana và Gombe tàn phá - Ảnh: The New York Times

Khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hơn, cơn bão như Ana và Gombe trở nên thường xuyên hơn, mạnh hơn và ẩm ướt hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bên cạnh nghèo đói và xung đột là nguyên nhân lâu dài, biến đổi khí hậu khiến bệnh tả trên toàn cầu bùng phát mạnh mẽ từ năm 2021.

Theo WHO, trong năm 2022 có 30 quốc gia báo cáo bùng phát dịch tả – cao hơn mức trung bình vài năm trước đến 50%. Nhiều đợt bùng phát do bão nhiệt đới kết hợp hoạt động sơ tán người dân.

“Rất khó để nói Ana và Gombe gây ra dịch tả. Nhưng ta có thể nói chúng là yếu tốt rủi ro”, theo chuyên gia y tế UNICEF Raoul Kamadjeu.

Tả là bệnh tiêu chảy dễ lây lan ở nơi không có nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. Thức ăn hoặc nước nhiễm khuẩn Vibrio cholerae.

Chuyên gia Kamadjeu cho biết: “Các chỉ số vệ sinh nước của Malawi vốn đã vô cùng xấu. Những cơn bão khiến tình hình tồi tệ hơn”.

Lũ quét đưa nước thải vào sông hồ, cuốn trôi đường ống nước cùng hạ tầng vệ sinh, làm hỏng đường sá gây khó khăn cho công tác cung cấp nhu yếu phẩm. Ước tính, chỉ riêng bão Ana đã phá hủy 54.000 "nhà xí" cùng khoảng 340 giếng nước. Người dân sơ tán tìm đến bất cứ nguồn nước nào có sẵn – thường là nguồn nước bẩn truyền bệnh cho họ.

Trong lúc dịch tả ở Malawi lan sang Zambia và Mozambique, tại Pakistan cũng có hàng trăm nghìn người mắc tả vào thời điểm mùa gió mùa khiến 1/3 diện tích đất nước bị ngập. Tại Nigeria, số ca mắc tả tăng vọt sau khi hơn 1 triệu người phải sơ tán do lũ lụt trong mùa mưa 2022.

Nhiều nơi bùng phát dịch tả dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc xin. Quan chức WHO phụ trách ứng phó bệnh tả ở châu Phi Otim Patrick Ramadan cho biết, trước đây Malawi có vắc xin để phòng ngừa nhưng giờ đây không có dịch thì không được cấp vắc xin.

Để ứng phó, nhóm điều phối vắc xin tả quốc tế vào tháng 10.2022 thay đổi tiêu chuẩn tiêm chủng từ 2 liều giảm xuống 1 liều, giảm thời gian bảo vệ từ 2 năm xuống còn khoảng 5 tháng.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tình hình bệnh tả thông qua bão lũ nghiêm trọng hơn, mà còn qua nhiệt độ nóng hơn và hạn hán kéo dài.

Ông Ramadan lý giải: “Với tình trạng thiếu nước trầm trọng các nguồn còn lại dễ bị ô nhiễm bởi vì mọi người đang sử dụng chúng cho mọi thứ”.

Hứng chịu hạn hán kéo dài, Ethiopia, Somalia và Kenya đều ghi nhận dịch tả bùng phát trong năm qua. Ở khu vưc bị mất mùa thì suy dinh dưỡng càng khiến khả năng miễn dịch của con người suy giảm.

Ý kiến phản bác

Nhà dịch tễ học Andrew Azman (Đại học Johns Hopkins) lại nhận định không nên vội xác định biến đổi khí hậu khiến bệnh tả bùng phát mạnh: “Chúng ta biết bệnh tả xảy ra theo mùa ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng mối liên hệ giữa lượng mưa, hạn hán, lũ lụt và bệnh tả không thực sự rõ ràng”.

Ông chỉ ra trong quá khứ từng có không ít cơn bão sức tàn phá lớn, nhưng chúng không dẫn đến tình trạng bùng dịch như tại Malawi năm 2022, do đó cần xem xét các yếu tố khác.

Khuẩn tả đang lây lan ở châu Phi là chủng mới từ châu Á. Giới khoa học hiện cố gắng xác định xem chủng mới có dễ lây lan hơn hay không.

Theo nhà dịch tễ học Azman: “Hình thái thời tiết cực đoan tác động đến nguy cơ bùng dịch bằng cách phá hủy nguồn nước và hạ tầng vệ sinh. Đây là điểm quan trọng, chúng ta có thể ngăn chặn bệnh nếu đầu tư vào nguồn nước và hạ tầng vệ sinh”.

Chuyên gia Kamadjeu đồng tình với quan điểm trên: “Bệnh tả chính là dấu hiệu của bất bình đẳng và nghèo đói. Đó là vấn đề của đầu tư, phát triển và cơ sở hạ tầng”.

Malawi hứng chịu dịch tả vào thời điểm nước này chìm trong khủng hoảng kinh tế, nguồn lực y tế cũng hao hụt do do COVID-19 cùng bại liệt bùng phát.

Tháng 3.2023, Malawi và các nước láng giềng đón bão Freddy. Đây là cơn bão kéo dài nhất từng được ghi nhận, gây ra thiệt hại không kể xiết cũng như khiến hàng trăm người trên khắp Mozambique, Madagascar, Malawi thiệt mạng. Thế nhưng chỉ có Mozambique ghi nhận số ca mắc tả tăng đột biến, số ca ở Malawi giảm dần.

Ông Ramadan giải thích đó là vì Malawi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, hoạt động phân phối nước cùng nhu yếu phẩm hiệu quả, kiến thức về bệnh tả được phổ biến.

Theo Cẩm Bình (1thegioi.vn)