Bí quyết làm giàu của “làng đồng nát”
Để tiết kiệm chi phí, anh chị tự tay làm mọi việc chứ không thuê người. Ban ngày gom hàng về bãi, đêm đến họ nhặt từng con ốc trong đống sắt vụn.
Chị kể con ốc bằng Inox chỉ cần bám một ít sắt hoặc tạp chất sẽ mất giá. Có con ốc tỉa hết gỉ sắt mất cả tiếng đồng hồ là chuyện thường. Muốn lãi nhiều phải biết tách chọn triệt để những chi tiết bằng kim loại giá trị cao trong đống sắt vụn.
Cả thôn có hơn 200 chiếc ô tô riêng, chưa kể xe tải, xe cẩu; nhà cao tầng mọc lên san sát với đầy đủ các dịch vụ từ ăn uống đến giải trí. Đó là những điều làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khiến người khác phải thán phục về sự giàu có. Bí quyết làm giàu của người dân Quan Độ rất giản đơn, họ cần cù nhặt nhạnh, phân loại phế liệu rồi đem bán lại.
Giàu lên từ phế liệu
Từ Hà Nội men theo QL3, chạy xe máy gần 20km đường liên xã hỏi làng Quan Độ ai cũng biết. Không khó để nhận ra làng nghề phế liệu: Những đống dây điện, sắt vụn, máy móc cũ xếp từng chồng hai bên đường.
Càng vào sâu trong làng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự náo nhiệt của làng quê này. Xưởng cơ khi nằm san sát nhau, bảng hiệu công ty gắn dày đặc trước cổng những ngôi nhà cao tầng. Khắp làng, tiếng máy móc liên tục hoạt động, xe tải, ô tô về đến chở hàng, giao dịch mua bán nườm nượp. Trên các bãi phế liệu, từng tốp lao động hối hả phân loại, miệng cười tay làm râm ran.
Được nhiều người giới thiệu, chúng tôi dừng chân trước cổng ngôi nhà ba tầng khang trang nhất nhì khu dân cư. Đó là cơ ngơi của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (41 tuổi), anh Nghiêm Văn Đồng (43 tuổi)- Trường hợp tiêu biểu “phất” lên nhờ nghề buôn phế liệu.
Tiếp chúng tôi đã quá 12h trưa, chủ nhà vẫn đeo xách, tay cầm sổ. Chị bảo từ sáng vẫn chưa kịp ăn gì bởi hàng về hàng đi liên tục. Giọng nói chân chất, chị Thúy kể vợ chồng đều nghỉ học sớm để kiếm sống. Do ít chữ, anh Đồng theo học nghề gò hàn rồi làm mướn cho các chủ buôn phế liệu trong thôn. Hàng ngày chị Thúy ra các bãi phế liệu phân loại thuê.
Làm thuê “đầu tắt mặt tối” nhưng cũng chỉ đủ miếng cơm qua bữa. Vợ chồng chị quyết định gom vốn làm riêng, gia tài lúc đó chưa tới 100 triệu đồng. Khởi nghiệp từ năm 2008 nhưng vốn liếng ít, mỗi ngày anh chị chỉ gom dưới 50 kg phế liệu rồi tự bơm nước rửa rác, phân loại trong đống phế liệu thành hàng loại một (kim loại có giá cao như inox, nhôm, đồng), hàng loại hai (chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, vỏ dây điện...) sau đó đem nhập lại cho các nhà máy tái chế.
Hàng ngày chị Thúy ở nhà phân loại hàng còn chồng đạp xe quanh các xã lân cận thu gom từng kg phế liệu từ những người buôn nhỏ lẻ: “Chủ vựa lớn chỉ cần ngồi ở nhà, người buôn lẻ mang hàng tới cân. Còn mình mới vào nghề, nếu không đi xa để gom hàng sẽ không có giá tốt, chóng cạn vốn. Bất kể đêm hôm hay trời mưa rét mà có người gọi bán, vợ chồng tôi luôn sẵn sàng mở cổng đi ngay”, chị nhớ lại.
Để tiết kiệm chi phí, anh chị tự tay làm mọi việc chứ không thuê người. Ban ngày gom hàng về bãi, đêm đến họ nhặt từng con ốc trong đống sắt vụn. Chị kể con ốc bằng Inox chỉ cần bám một ít sắt hoặc tạp chất sẽ mất giá. Có con ốc tỉa hết gỉ sắt mất cả tiếng đồng hồ là chuyện thường. Muốn lãi nhiều phải biết tách chọn triệt để những chi tiết bằng kim loại giá trị cao trong đống sắt vụn.
Thời điểm năm 2008, giá nhiều kim loại, nhựa liên tục rớt giá. Cứ mỗi lần giá xuống, anh chị lại tiếc mà cố cầm cự. Nhưng chờ mãi giá không tăng, trong khi tiền lãi vẫn phải trả đều buộc chủ vựa phế liệu phải bán đi gỡ gạc chút ít.
Chị Thúy nhớ như in có thời điểm trong nhà không có đủ vài trăm ngàn chi tiêu phải vay tạm bố mẹ, bạn bè. Cũng có người thân khuyên anh chị dừng lại để tránh thua lỗ nặng: “Có lúc chúng tôi cũng nhụt chí nhưng đầu tư bao nhiêu công sức chẳng nhẽ bỏ hết. Hơn nữa vốn liếng mắc kẹt do thị trường chững lại, rồi có lúc thị trường lên giá. Lúc khó khăn, vợ chồng động viên nhau cứ làm rồi cơ hội, vận may sẽ tới”, chị nói.
May mắn chỉ vài tháng sau hàng kim loại lên giá, chị Thúy lại có tiền quay vòng kinh doanh. Rút kinh nghiệm, trong cảnh ít vốn, chị Thúy chọn giải pháp an toàn đó là: Mua lô hàng nào phân loại rồi bán lại ngay lô hàng đó kiếm “lãi tươi” , vừa có tiền đầu tư mua lô hàng khác.
Bí quyết thành công theo lời chị Thúy là gia đình kịp thời thay đổi hướng đi. Theo đó anh chị chỉ mua bán vật liệu bằng inox bởi kim loại này có giá trị lớn và ổn định. Mặt khác anh Đồng là thợ chuyên gò hàn inox nên biết rất rõ loại kim loại này. Mỗi lần có khách đến bán phế liệu, anh Đồng đều cẩn thận kiểm tra trước khi mua. Phương châm kinh doanh của anh chị là loại gì không biết thì không mua.
Dần dần anh chị cũng để ra được vài trăm triệu tiền mặt mua hàng. Khi đã có đồng tiền nhàn rỗi, vợ chồng chủ vựa phế liệu đầu tư mua thật nhiều hàng lúc giá hạ rồi dần dần phân loại chờ giá lên: “Tiền không phải vay mượn nên sẵn sàng chờ thời. Chắc chắn giá phế liệu dù rớt giá nhưng sẽ có lúc ngược dòng”, người phụ nữ chia sẻ.
Nhờ vậy chỉ sau ba năm khởi nghiệp, vợ chồng chị Thúy trả hết các khoản nợ vay mượn người thân. Anh chị còn thuê được thửa đất rộng hơn trăm m2 thời hạn 20 năm làm bãi chứa phế liệu. Hiện tại cơ sở còn có thêm hai lao động thường xuyên làm việc. Vào dịp “sốt” hàng hoặc cuối năm, xưởng phải huy động thêm gần chục nhân công.
Năm 2011, anh Đồng chị Thúy gom góp xây được căn nhà khang trang cả tỷ đồng. Đến năm 2013 anh chị đầu tư hơn nửa tỷ sửa chữa, lắp thêm trần gỗ, mua sắm thêm nhiều nội thất sang trọng. Có tiền dôi dư, họ sắm xe ô tô hơn 500 triệu làm phương tiện đi lại phục vụ kinh doanh. Chị Thúy, anh Đồng chỉ là một trong hàng trăm triệu phú nhờ nghề buôn bán phế liệu ở làng Quan Độ.
Phố giữa làng
Quan Độ vốn là làng thuần nông nghèo khó. Vùng quê này vào thời Pháp thuộc chuyên nghề ủ men nấu rượu. Theo trí nhớ cụ Nguyễn Văn Nhung, 96 tuổi, hồi đó làng chỉ hơn trăm hộ, tập trung sống quanh ngôi đình cổ. Cuối những năm 80, một số người bắt đầu đi buôn đồng nát, đem bánh kẹo đổi đồng nát.
Bước sang đầu thập niên 90, khi đất nước đổi mới cơ chế, nghề phế liệu phất lên như diều gặp gió. Lý do nhờ cơ chế mới, nhiều cơ quan được phép thanh lý những tài sản hư hỏng, cũ nát. Từ đó nhu cầu vật liệu tái chế tăng mạnh.
Trực tiếp chứng kiến sự đổi thay quê nhà, cụ Nhung không ngờ chỉ một thời gian ngắn quê mình “lột xác” đến khó tin: “Ngày trước ăn còn không đủ, nhà chỉ dựng tạm vách nứa, ai khá giả có tấm tôn làm vách. Thế mà bây giờ chú nhìn đó, nhà lầu san sát, xe hơi đỗ khắp ngõ”.
Trưởng thôn Quan Độ, ông Nguyễn Văn Lý xác nhận kể từ năm 1990, một vài người làng đi gom hàng thanh lý về phân loại bán lại. Thấy có lãi, họ rủ người thân, bạn bè theo nghề. Dần dần các bãi tập kết, công ty mua bán phế liệu mọc lên. Một số chủ lớn còn mua hàng tận miền Nam, miền Trung.
Theo lời ông trưởng thôn, bộ mặt làng quê thay đổi mạnh từ khi có nghề buôn phế liệu. Cũng từ đó người dân bỏ bớt làm ruộng, nấu rượu. Người vốn to thì mở xưởng lớn, đi buôn xa. Người ít vốn thì làm đại lý nhỏ cho chủ xưởng lớn.
Còn những người không đủ vốn đi buôn thì làm thuê như rã hàng kim loại, tuốt vỏ dây điện, phân loại hàng, tiền công mỗi ngày thấp nhất từ 200-250 ngàn đồng. Lao động có tay nghề biết rã hàng tiền công từ 500- 1 triệu đồng/ngày. Cứ thế người này kéo người kia, dân làng Quan Độ ngày một khá lên.
Kèm theo đó nhiều ngành nghề “ăn theo” phát triển mạnh ở làng Quan Độ như cơ khí, dịch vụ cửu vạn. Các dịch vụ ăn uống, giải trí cũng mọc lên theo. Đặc biệt chục năm trở lại đây, bộ mặt vùng quê Quan Độ phất lên trông thấy. Đó là những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Hệ thống đường liên thôn bê tông hóa 100%.
Ông trưởng thôn thống kê cho biết toàn thôn có gần 800 hộ với khoảng ba ngàn nhân khẩu. Trong đó có khoảng 20% dân số đi buôn bán phế liệu, hơn 30% người dân làm công nhân bốc vác phế liệu, phân loại phế liệu. Kinh tế địa phương từ năm 2000 trở lại đây phát triển mạnh mẽ. Theo ông Lý, cả thôn chỉ có 14 hộ nghèo chủ yếu là người già neo đơn. Đặc biệt ít ai tin rằng làng quê này có hơn 200 xe ô tô con cá nhân, hơn 100 xe tải, xe cẩu:
“Nghề buôn phế liệu còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chẳng hạn nhiều người làm ruộng cả năm mới được vài tấn thóc, hoặc các em không học hành tới nơi tới chốn không có việc làm thì nay dễ dàng kiếm tiền, không thiếu việc cho họ”, ông trưởng thôn nói.
Theo gia phả các dòng họ ở Quan Độ, làng quê này được hình thành từ thế kỷ XI, lúc đầu có tên làng Kẻ Đọ. Sau đó làng được Nguyên phi Ỷ Lan ban tước cho tên Lan Độ. Đến năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, do phạm úy nên được đổi thành làng Quan Độ. Nhiều bô lão giải thích lịch sử của làng có hai người thi đỗ Tiến sĩ ra làm quan triều đình thời nhà Lê nên được vua ưu ái cho dùng chữ “Quan” đặt tên làng.
Mai Long
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở