Bệnh viện đầu tiên châu Á đạt chuẩn của Hội đột quỵ Châu Âu

Thứ ba, 07/05/2019, 14:25 PM

Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) đã trở thành bệnh viện đầu tiên ở châu Á nhận "Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng" của Hội Đột quỵ châu Âu.

Mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế. Từ một đơn vị đột quỵ đầu tiên, được thành lập tại BV Nhân Dân 115 từ năm 2006, đến nay đã có trên 60 đơn vị trên cả nước, dự kiến đến năm 2020 sẽ có được 100 đơn vị.

Riêng năm 2018, tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị đột quỵ tại BV Nhân Dân 115 là trên 12.000 người, cao gấp 3 - 10 lần so với một số BV lớn trên địa bàn TP. Nếu như năm 2016, BV có 250 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch thì đến năm 2018, con số này tăng gấp 4 lần (996). Ngoài ra, phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, được triển khai từ 2008, đã cứu sống trên 2.000 ca đột quỵ, riêng năm 2018 là 490 trường hợp.

GS.TS Carlos Molina - chuyên gia đầu ngành về đột quỵ châu Âu (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu cho TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (ngoài cùng bên phải) và TS.BS Nguyễn Huy Thắng (giữa) - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115.

GS.TS Carlos Molina - chuyên gia đầu ngành về đột quỵ châu Âu (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu cho TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (ngoài cùng bên phải) và TS.BS Nguyễn Huy Thắng (giữa) - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115.

Chia sẻ với phóng viên, TS-BS Nguyễn Huy Thắng (trưởng khoa đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM) cho biết, trong điều trị đột quỵ có những phương pháp được chứng minh mang lại hiệu quả cho bệnh nhân và những phương pháp này luôn được khuyến cáo áp dụng tại các trung tâm đột quỵ. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng để có thể thực hiện được tất cả phương pháp này cho bệnh nhân. Vì lý do đó, Hội Đột qụy châu Âu đã đạt ra các tiêu chí  điều trị chuẩn cho các trung tâm đột quỵ ở châu Âu, nhằm mục đích đánh giá việc áp dụng những điều trị chuẩn ở các bệnh nhân ra sao.

“Hiện nay ở châu Âu từ khi bệnh nhân bước vào cấp cứu cho đến các quy trình khám, đo điện tim, xét nghiệm, truyền thuốc...chỉ trong 60 phút. Còn trước nay ở nhiều trung tâm đột quỵ của Việt Nam khi bệnh nhân vào thường mất khá nhiều thời gian, có thể từ 1-2 tiếng cho các quy trình đó. Trong khi, yêu cầu theo chuẩn của châu Âu phải đạt dưới 60 phút”, BS Thắng chia sẻ.

Vị này còn cho biết, yêu cầu quan trọng để đạt được “chứng chỉ Vàng” trong chuẩn chất lượng điều trị đột quỵ là tỉ lệ tái thông phải đạt trên 5% thì BV Nhân Dân 115 đã đạt 11%. Còn về yêu cầu 60 phút thì bệnh viện này chỉ mất 44 phút (con số trung bình 1000 bệnh nhân năm 2018).

khoabenhlymachmaunao26

Trên thực tế, còn rất nhiều yêu cầu, tiêu chí mà phía châu Âu đề ra, những tiêu chí nêu trên chỉ là điển hình. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chứng nhận này không tính theo kiểu tổng kết một năm hoặc theo số lượng các ca. Bệnh viện phải đăng ký trước và phải cập nhật các số liệu theo yêu cầu, và được đánh giá và thống kê của phía châu Âu.

Khi Việt Nam đạt tiêu chuẩn này, có nghĩa là các bệnh nhân đột quỵ Việt Nam đã được áp dụng các kỹ thuật điều trị tiến tiến, ngang bằng với chuẩn của các trung tâm đột quỵ châu Âu.

Theo thống kê, bệnh viện 115, mỗi ngày tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đột quỵ, số lượng này rất lớn khi so sánh với nhiều trung khác. Hiện nay, bệnh viện 115 đã và đang tiến hành chuyển giao các kỹ thuật điều trị đột quỵ tiên tiến cho tất cả trung tâm đột quỵ trong cả nước, nhằm giúp nhiều bệnh nhân vượt qua căn bệnh vào hàng nguy hiểm nhất hiện nay.

Ban Chấp hành Hội Đột quỵ châu Âu được thành lập năm 2007 đã sáng lập Chương trình chứng nhận Đơn vị Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ. Các tiêu chí chính bao gồm khả năng huấn luyện con người; thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác. Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban Về Đơn vị Đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Để trở thành BV đầu tiên tại châu Á được trao chứng nhận này phải đạt 7 tiêu chí khắt khe là: Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị tái thông trong vòng 60 phút từ khi nhập viện; bệnh nhân được điều trị tái thông; bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng kháng kết tập tiểu cầu khi xuất viện; bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ và bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng chăm sóc tích cực.

Nguyễn Ngọc

Theo PLN

largeer