Bắt sinh viên vào học từ 6h sáng, Đại học Bách khoa TP.HCM có làm sai quy định của Bộ GD-ĐT?
Bộ GD&ĐT quy định thời gian hoạt động giảng dạy của trường đại học từ 8h đến 20h. Thế nhưng, theo thông báo gần đây nhất, ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ bắt đầu vào học từ 6h và kết thúc lúc 22h10. Quy định mới này liệu có đi ngược lại quy chế chung của Bộ?
Mới đây, Đại học Bách khoa TP.HCM vừa ra thông báo khiến cộng đồng sinh viên tranh cãi dữ dội. Theo đó, khung giờ giảng dạy của trường sẽ bắt đầu từ 6h sáng, kết thúc lúc 22h10. 1 ngày nhà trường sẽ có 17 tiết học, mỗi tiết 50 phút và nghỉ giải lao 10 phút. Riêng buổi tối từ 18h, các tiết học diễn ra liên tục không có giờ nghỉ giải lao.
Tuy nhiên, trong thông báo này nhà trường có ghi chú rõ một số tiết “đặc biệt”, cụ thể: tiết 1 (từ 6h - 6h50) và tiết 17 (từ 21h20 - 22h10) “không xếp thường xuyên”; tiết 6 (từ 11h - 11h50), tiết 7 (12h - 12h50), tiết 12 (17h - 17h50) và tiết 13 (18h - 18h50) “cân nhắc tránh sinh viên/giảng viên học/giảng liên tục”.
Dù đã đưa ra lưu ý nhưng sau khi đăng tải thông báo, rất nhiều người vẫn phản đối khá gay gắt và coi đây là lịch học lạ lùng. Phần đông cho rằng khung giờ học như trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng học tập của sinh viên.
Đáng chú ý, một số ý kiến còn chỉ ra việc quy định khung giờ học như ĐH Bách khoa TP.HCM đang áp dụng là sai quy định của Bộ GD-ĐT. Lý do là theo điều 4 Quy chế đào tạo Đại học, Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) của Bộ GD&ĐT quy định: Thời gian hoạt động giảng dạy của trường được tính từ 8h đến 20h hàng ngày.
Dựa vào điểm này, nhiều người càng lên án gay gắt khung giờ học mới của ĐH Bách khoa TP.HCM nhiều hơn. Tuy nhiên, đi kèm với khung giờ quy đinh, Quy chế của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ: “Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường. Tùy theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của trường, trưởng phòng đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp”.
Trong Điều 4 quy chế 43, quy định có kèm theo cụm từ “tùy theo tình hình thực tế của trường”. Nếu trường không ban hành quy chế riêng, trường sẽ tuân thủ đúng như yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Còn trong trường hợp nhà trường có những sự điều chỉnh để hoạt động giáo dục được tốt hơn, học sinh sinh viên sẽ phải tuân thủ những gì mà nhà trường đưa ra. Nhiều trường Đhọc vì cơ sở vật chất có hạn, nếu buổi sáng bắt đầu lúc 8 giờ, các trường sẽ không thể bảo đảm tiến độ, thời gian đào tạo cho sinh viên.
Trước Đại học Bách Khoa TP HCM, cũng có nhiều trường Đại học khác bắt đầu giờ học sớm. Cụ thể, PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cho hay trước đây, khi còn đào tạo theo hình thức niên chế, mỗi tiết kéo dài 45 phút, tiết đầu của trường bắt đầu vào 6h30. Nhưng sau khi chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ, trường thay đổi khung giờ tiết 1sang 7h.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng Đại học Bách khoa TP HCM không làm sai quy định của Bộ GD-ĐT. Mỗi trường đại học có những tính chất riêng nên không thể ép buộc được thời gian chung. Nhà trường sẽ tự điều chỉnh sao cho phù hợp và đúng đắn nhất, đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục hiện hành.
Hà Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội