Bất ngờ cách Mỹ tính thuế chống bán phá giá tôm VN lên tới hơn 25%
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam hôm nay đã hết sức bất ngờ trước kết quả mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp cho sản phẩm tôm Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 - 2017.
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hôm nay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1.2.2016 – 31.1.2017).
Theo đó, mức thuế cho công ty Fimex là 25,39% và mức thuế này cũng được áp dụng cho tất cả các công ty khác xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Công ty Fimex được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho các công ty còn lại. VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam hết sức bất ngờ với mức thuế này và tin rằng đã có sự nhầm lẫn đáng kể trong tính toán biên độ.
VASEP cho rằng, trong suốt 13 năm tham gia các kỳ xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ, chưa có doanh nghiệp nào nhận được biên độ bán phá giá theo tỷ lệ phần trăm cao hơn một chữ số.
Cụ thể, Fimex đã được xem xét và thẩm tra trong giai đoạn POR9 và được kết quả với mức thuế 0%. Do đó, sau khi xem xét chi tiết, Công ty Fimex cho rằng, đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể.
“Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố”, đại diện VASEP nhận định.
Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực và chưa được áp dụng cũng như có thể thay đổi trong kết quả cuối cùng, nhưng theo các doanh nghiệp, kết quả sơ bộ này sẽ tác động không ít đến tâm lý của các nhà nhập khẩu tại Mỹ cũng như sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu tôm vào thị trường này, tác động đến các giao dịch mua bán giữa hai bên, đặc biệt là trong thời gian chờ đợi Bộ Thương Mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng.
Mỹ hiện vẫn là thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, tuy vậy, doanh số nhập khẩu vào thị trường này đã giảm nhiều trong thời gian qua. Từ vị trí số 1 năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm mạnh, tụt xuống vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu hàng đầu của tôm Việt Nam.
Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký VASEP, cho rằng, ngoài việc bị tác động bởi việc DOC tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump cũng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.
Chưa hết, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú còn cho rằng, ngoài những khó khăn hiện tại, kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng quy định bắt buộc các nhà nhập khẩu tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP, đồng thời thực hiện việc truy xuất điện tử các chứng chỉ này. Còn đối với các sản phẩm tôm sinh thái, từ năm 2018, thị trường Mỹ và EU còn yêu cầu phải có thêm các chứng nhận về quy trình nuôi sinh thái.
Những yêu cầu mới này là điều rất khó thực hiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là với hình thức nuôi tôm sinh thái của Việt Nam như tôm rừng tại một số tỉnh ven biển ở ĐBSCL.
Thuận Hải
-
Giá vàng hôm nay, 7-11: Giảm sâu, USD tăng giá dữ dội
-
Giá vàng hôm nay, 5-11: Đi xuống đôi chút và “đứng bên lề” quan sát
-
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu ngay từ đầu 2025
-
Vì sao người tiêu dùng quay lưng với chợ truyền thống?
-
Giá vàng hôm nay, 23-10: Tăng tốc lên đỉnh mới
-
TP.HCM đề nghị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì bán hàng thường xuyên