Báo động tình trạng dùng vũ lực giải quyết sự cố giao thông

Thứ hai, 14/12/2020, 09:38 AM

Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhắc đến khái niệm “phi văn hóa giao thông” và dẫn chứng trường hợp thanh niên đánh nữ sinh sau khi va chạm giao thông ở tỉnh Bình Dương. Trong những trường hợp như trên, hậu quả của hành vi côn đồ có khi còn nặng nề hơn hậu quả của vụ tai nạn giao thông.

Vừa va quẹt xe đã choảng nhau

Sáng 9/12, trên đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Ga thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM, hướng về quận Gò Vấp, xảy ra vụ va chạm giữa xe máy và xe đạp. Khi hai phương tiện còn nằm trên đường, hai người điều khiển phương tiện đã to tiếng cự cãi. Rất may, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời nên không có điều đáng tiếc xảy ra. Anh Nhiên - người chứng kiến vụ việc - nhận xét: “Tôi thấy người và xe không bị thiệt hại gì đáng kể. Lẽ ra, họ có thể vui vẻ với nhau và tiếp tục lưu thông”.

Hình ảnh thanh niên đánh hai nữ sinh ở tỉnh Bình Dương sau vụ va quẹt xe đã gây phẫn nộ cho cộng đồng

Hình ảnh thanh niên đánh hai nữ sinh ở tỉnh Bình Dương sau vụ va quẹt xe đã gây phẫn nộ cho cộng đồng

Tại TPHCM, trong mười tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 2.463 vụ tai nạn giao thông, làm chết 460 người và bị thương 1.732 người. Trong đó, có khoảng 90% vụ tai nạn do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2016-2020, công an các địa phương đã điều tra, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 21.219 vụ tai nạn giao thông, với 20.586 bị can. Trong đó, viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 17.954 vụ với 18.460 bị can, tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 18.170 vụ với 18.704 bị cáo. 

  Đội trưởng một đội cảnh sát giao thông ở TPHCM nói: “Đa phần các vụ tai nạn giao thông là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do đó, cần phải nhường nhịn nhau khi va chạm; nếu không sẽ xảy ra xô xát, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Cúc - ở quận 10, TPHCM - cho biết cửa hàng của chị nằm ở đoạn cua “cùi chỏ” trong hẻm đường Ba Tháng Hai. Do đoạn cua này khá gấp nên chỉ cần người chạy xe ngược chiều nhau thiếu quan sát là tông nhau. Cách đây mấy ngày, chị Cúc chứng kiến cảnh một người đàn ông trung niên và cô gái văng tục do cô gái dừng xe hỏi thăm đường ở ngã ba, chẳng may bị người đàn ông đụng vào làm vỡ đèn xe phía sau. “Bà con ở đây khuyên hai người nhịn nhau một chút, xin lỗi nhau một câu rồi đường ai nấy đi nhưng hai người không chịu, cãi nhau rất to. Thậm chí, cô gái còn đòi gọi người nhà đến giải quyết. Khi chú bảo vệ đòi gọi công an tới, cô gái mới chửi đổng vài câu rồi phóng xe đi” - chị Cúc kể.

Một cán bộ Công an quận 9 cho biết, công an quận vừa lập hồ sơ xử lý đối tượng N.Q.H. - 29 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh - về hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông. H. là tài xế xe taxi “công nghệ”. Hôm 5/11, H. chạy xe trên đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 thì xảy ra va chạm với xe máy do một đôi nam nữ điều khiển nên hai bên xảy ra cự cãi.

Khi đôi nam nữ rời đi, H. đuổi theo, chặn đầu xe, rút dây thắt lưng đánh, tát đôi nam nữ và yêu cầu thanh niên điều khiển xe máy phải quỳ xuống xin lỗi mình. Tại cơ quan công an, H. khai mình có uống ba lon bia, H. đuổi đánh hai người trên là do sau khi va chạm, thanh niên lái xe máy chỉ tay thách thức.

Lãnh hậu quả vì một phút nóng giận

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Bẩy - 46 tuổi, ở huyện Trảng Bom - 12 năm tù về tội giết người. Vào ngày 11/1, khi chạy xe qua ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, xe của Bẩy va chạm với xe do chị N.T.X.T. điều khiển, dẫn đến xô xát. Sau đó, chị T. gọi điện cho cha là Nguyễn Văn Thái, kể lại chuyện bị đánh nên ông Thái đến nhà gặp Bẩy, dẫn đến đánh nhau. Bẩy lấy cây sắt đánh vào đầu ông Thái khiến nạn nhân bị thương tật với tỷ lệ 88%. Như vậy, từ một vụ tai nạn giao thông không nghiêm trọng, thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực của hai bên đã dẫn đến hậu quả quá lớn.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, ông từng tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo lẫn bị hại trong các phiên tòa hình sự về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “giết người”. Đây là những vụ án rất nghiêm trọng, nhưng xuất phát điểm của nó chỉ là vụ va quẹt xe. 

Luật sư Đức kể: “Một thân chủ của tôi làm nghề chạy xe ôm, bị người khác tông hư xe nhưng đổ lỗi, thách thức nên anh giận quá rút tuốc-nơ-vít ra đâm một nhát, sau đó bị kết án ba năm tù giam”. Ông lưu ý, theo điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi cố ý gây thương tích, làm tổn hại đến sức khỏe của người khác từ 11-30% có thể bị phạt tù từ 2-5 năm. Nếu cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì có thể bị phạt tù chung thân.

Cần giáo dục giá trị sống

Đại tá, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - phân tích khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn, ai cũng cho rằng mình đúng. Khi xảy ra va quẹt xe, người trong cuộc luôn mong muốn giải quyết theo hướng có lợi cho mình, thậm chí sử dụng bạo lực để trấn áp đối phương. 

“Khi xảy ra va chạm giao thông, một số người chưa kịp tỉnh táo để biết lỗi thuộc bên nào, nguyên nhân ra sao, nên giải quyết vụ việc theo hướng nào là tốt nhất. Trong trường hợp này, nếu có kiến thức pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật thì họ sẽ giải quyết theo pháp luật. Ngược lại, họ sẽ dùng hành vi trái pháp luật để trấn áp” - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn phân tích. Ông Thìn dẫn chứng, trong vụ hành hung nữ sinh ở tỉnh Bình Dương vừa qua, đối tượng hành hung đã có tiền án về tội cố ý gây thương tích, tức là đã sử dụng hành vi bạo lực với người khác rồi. Vụ va quẹt xe chỉ là yếu tố tác động để đối tượng sử dụng bạo lực.

Ông Thìn nói: “Văn hóa giao thông của chúng ta hiện nay là vấn đề rất đáng bàn. Đa số vụ tai nạn giao thông là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Tai nạn do lỗi chủ quan nhiều nhưng việc kiểm soát xung đột khi xảy ra sự cố lại rất kém. Đây là nguyên nhân khiến một số vụ va quẹt giao thông dẫn đến các vụ án hình sự”. Theo ông, nền tảng giáo dục nhân cách từ gia đình đến xã hội hiện nay chưa thật sự đầy đủ, hiệu quả. Nếu được trang bị nền tảng đạo đức nhân cách, ứng xử pháp luật văn minh, người ta sẽ hạn chế được những hành động theo bản năng, mất kiểm soát.

Chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh - phụ trách giáo dục Trường Nội trú IVS - cho rằng khi thiếu sự giáo dục về tình yêu thương, lòng khoan dung, độ lượng, người ta sẽ tích tụ suy nghĩ tiêu cực, uất ức, căm giận. Một vụ va quẹt giao thông chỉ là cái cớ để họ “xổ” những uất ức bị dồn nén trong họ. “Lúc này, người ta như rơi vào một trạng thái thôi miên sâu sắc, không hiểu mình đang làm gì. Toàn bộ năng lượng tiêu cực bên trong dẫn dắt người ta đến các hành động tiêu cực. Có nhiều trường hợp, khi hết cơn điên giận, người ta mới hối hận về hành vi của mình” - ông Đặng Lê Anh phân tích.

Theo ông Đặng Lê Anh, lâu nay, chúng ta chỉ chú trọng giáo dục kiến thức mà thiếu giáo dục về giá trị sống. Nếu không hiểu được giá trị cuộc sống thì người ta sẵn sàng đánh mất nó chỉ vì một vụ va quẹt hay một câu nói bốc đồng. “Tại sao người thanh niên ở Bình Dương lại đánh em học sinh? Tôi nghĩ, nguyên nhân của hành vi đó là cả một quá trình sống, quá trình được giáo dục, rèn luyện từ khi còn nhỏ. Đây là điều đáng báo động. Mới hôm qua, một phụ huynh tìm đến tôi nhờ tư vấn về việc con mình hay sử dụng bạo lực với bạn học. Tôi nói ngay, cháu đã không được giáo dục về giá trị sống. Ông bà ta nói dĩ hòa vi quý, coi hòa bình là điều quý giá. Đôi khi chúng ta quên mất giá trị sống và quên giáo dục cho con em mình giá trị sống” - ông Đặng Lê Anh nói.

Theo ông Đặng Lê Anh, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thời gian gần đây trở nên rất đáng báo động. Nhiều vụ trong số đó xảy ra ngay trong môi trường học đường. Vì vậy, nhà trường cần tăng cường giáo dục giá trị sống, giá trị của tình yêu thương, giá trị hòa bình cho các em chứ không đơn thuần giáo dục kỹ năng sống. Người ta thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Kỹ năng sống là cách làm, thói quen để một người hoàn thành công việc cụ thể trong cuộc sống, còn giá trị sống là chất liệu tạo nên nhân cách của một con người. Chất liệu tốt sẽ tạo nên một nhân cách tốt và ngược lại. 

Sơn Vinh

.Theo phunuonline